Nói đến bệnh tâm thần, nhiều người nghĩ rằng đó là bệnh điên loạn, hoang tưởng, dở hơi... nhưng thực chất đây chỉ là một trong số hàng trăm rối loạn tâm thần. Ngày nay, môi trường sống có quá nhiều áp lực khiến nhiều người mắc bệnh mà không biết bởi bệnh chỉ biểu hiện ở dạng rối loạn cơ thể, rối loạn tâm lý, trầm cảm. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, một trong những vấn đề đáng quan tâm trong công tác điều trị sức khỏe tâm thần hiện nay là sức khỏe tâm thần trẻ em, đặc biệt là tự kỷ, tăng động, giảm chú ý ngày càng gia tăng.
Ảnh mang tính chất minh họa
Bác sĩ La Đức Cương-Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, trẻ nghiện game, nghiện chất gây nghiện, bạo lực học đường, bạo lực hành vi là những nguyên nhân gây nên rối loạn tâm thần. Game âm thầm phá hủy năng lực học tập, nhân cách của trẻ, làm ảnh hưởng khả năng cống hiến của thế hệ tương lai cho đất nước. Bên cạnh đó, áp lực học hành quá nặng khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo âu, mất ngủ.
Một trường hợp bệnh khá phổ biến và thường xuất hiện ở lứa tuổi thiếu nhi là bệnh tự kỷ, rối loạn tăng động giảm tập trung chú ý. Khi mắc chứng bệnh này sẽ khiến các em mất tập trung, hiếu động quá mức đi kèm với khả năng suy giảm chú ý.
Ngoài ra, những thanh thiếu niên khi mắc phải căn bệnh này còn có nhiều hành vi bộc phát, biểu hiện mãnh kiệt, hay kích động và rất dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực như có suy nghĩ muốn tự tử.
Là người gắn bó với Việt Nam 20 năm qua, Giáo sư Harry Minas (ĐH Melbourne, Australia), chuyên gia sức khỏe tâm thần quốc tế, chia sẻ, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia Châu Á khác hiện nay, tình trạng ganh đua giữa các học sinh diễn ra phổ biến, ngoài thời gian học trên lớp, các em còn tham gia các lớp học thêm vào buổi tối… khiến các em không có thời gian vui chơi, giải trí, được sống đúng với lứa tuổi của mình.
“Câu hỏi đặt ralà có phải do chất lượng giáo dục quá kém khiến học sinh phải chạy đua học thêm ở khắp nơi như thế không? Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ?” Giáo sư Harry Minas nói.
Bác sĩ Lý Trần Tình
Theo khảo sát tại một số trường học trên địa bàn Hà Nội của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội 3 năm gần đây cho thấy, trên 15% học sinh cấp 1, cấp 2 có vấn đề về sức khỏe tâm thần, 500 trẻ cấp 1 có biểu hiện tăng động.
Trăn trở về số lượng trẻ em có các rối loạn về sức khỏe tâm thần ngày một gia tăng, bác sĩ Lý Trần Tình-Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, trở ngại lớn nhất đối với việc điều trị sức khỏe tâm thần là còn có rất nhiều phụ huynh, giáo viên quan niệm chưa đúng về sức khỏe tâm thần và điều trị tâm thần ở trẻ nhỏ cùng sự kỳ thị của xã hội. Nhiều trường học không muốn công bố học sinh mắc bệnh vì sợ ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của trường; một số phụ huynh không muốn thừa nhận con mình mắc bệnh mà cho rằng con của họ quá nghịch ngợm, hiếu động.
Thống kê trước đây của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho thấy, hơn 70% bệnh nhân tâm thần đi cúng bái trước khi đến bệnh viện chữa trị. Song hiện nay, người bị bệnh tâm thần được phát hiện sớm hơn, được chữa trị kịp thời, số lượng người tâm thần lang thang giảm đáng kể.
Các chuyên gia cho rằng, để hạn chế tình trạng trẻ em có các rối loạn về sức khỏe tâm thần, vấn đề quan trọng nhất là gia đình và nhà trường phải kết hợp chặt chẽ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ; không nên tạo áp lực cho trẻ, nhất là trẻ đang ở trong độ tuổi vị thành niên, bởi đây là lứa tuổi rất dễ bị kích động.
“Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, về bệnh tâm thần, không kỳ thị, có ý thức đưa người bệnh đến điều trị đúng nơi, đúng chỗ, điều trị sớm, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”, bác sĩ Lý Trần Tình chia sẻ./.