Một nghiên cứu về dữ liệu giám sát quốc gia được công bố tháng 3/2023 trên tạp chí Annals of Internal Medicine cho thấy, các ca lâm sàng nhiễm Candida auris (C. auris) đã tăng lên hàng năm kể từ năm 2016, với mức tăng nhanh nhất xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2021.
Tại Hoa Kỳ, các trường hợp nhiễm Candida auris đang hoạt động đã tăng từ dưới 500 ca vào năm 2019 lên gần 1.500 ca vào năm 2021. Các ca sàng lọc, trong đó loại nấm này được phát hiện nhưng không gây nhiễm trùng, cũng tăng gấp ba lần từ năm 2020 đến 2021, với tổng số hơn 4.000 ca.
Theo CDC, mặc dù chưa có con số cuối cùng, nhưng số ca mắc bệnh trong năm 2022 cũng tăng lên.
Nấm Candida auris có thể tồn tại hàng tuần trên các bề mặt.
1. Nấm Candida auris nguy hiểm đang trở thành mối lo ngại
Theo CDC, tốc độ phát triển của loại nấm này rất đáng chú ý, vì nó được xác định lần đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 2009, được đặt tên theo nơi nó được phát hiện lần đầu tiên trong cơ thể, đó là tai (tiếng Latinh là: Auris).
Sự lây nhiễm đã vượt ra ngoài Hoa Kỳ, với các trường hợp hiện được ghi nhận ở hơn 30 quốc gia.
Thật đáng lo ngại khi chứng kiến quá nhiều trường hợp và sự lây truyền xảy ra. Loại nấm này chủ yếu ảnh hưởng đến một nhóm nhỏ dân số đang bị bệnh nặng lúc ban đầu, những người dễ bị tổn thương nhất và nó làm nổi bật những lỗ hổng trong khả năng ngăn chặn sự lây lan của Candida auris và các mầm bệnh mới nổi khác, TS. Meghan Lyman, CDC cho biết.
2. Candida auris là mối đe dọa đối với các nhóm dễ bị tổn thương
Nấm Candida auris đã gây bùng phát dịch bệnh tại các cơ sở y tế và viện dưỡng lão, đồng thời có thể lây truyền qua tiếp xúc với bệnh nhân bị ảnh hưởng và các bề mặt hoặc thiết bị bị ô nhiễm. CDC ước tính rằng, khi nhiễm trùng Candida auris trở nên xâm lấn (lan đến máu, tim hoặc não), thì cứ ba bệnh nhân sẽ có một người tử vong.
Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, loại nấm này không gây nguy hiểm cho sức khỏe, nhưng cần lưu ý, mọi người có thể nhiễm nấm trên da mà không gây nhiễm trùng. Vì vậy, ngay cả những người không có bất kỳ triệu chứng nào, cũng có thể truyền nấm cho người khác.
CDC nhấn mạnh rằng, việc sàng lọc là rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan. Bệnh nhân mang nấm cần được xác định để có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát phòng ngừa nhiễm trùng.
Đối với những người có nguy cơ cao hoặc những người tiếp xúc với những người có nguy cơ cao, vệ sinh tay sạch sẽ có thể ngăn ngừa lây truyền. CDC khuyên những người tiếp xúc gần với những người dễ bị tổn thương, nên rửa tay bằng nước rửa tay hoặc xà phòng và nước trước khi đến thăm họ.
Candida auris có thể tồn tại trên các bề mặt trong vài tuần, khiến nó có nhiều khả năng lây lan hơn. Candida auris dường như chịu được nhiệt độ cao hơn, vì vậy có suy đoán rằng sự xuất hiện của nó có thể liên quan đến biến đổi khí hậu.
3. Nhiễm nấm kháng thuốc ngày càng tăng
Candida auris đáng lo ngại vì các loại thuốc chống nấm thường được sử dụng để điều trị các loại bệnh nhiễm trùng tương tự, thường không có tác dụng đối với loại nấm này.
Nghiên cứu mới nhất nhấn mạnh rằng, số trường hợp kháng lại echinocandin, loại thuốc kháng nấm được khuyên dùng nhiều nhất để điều trị nhiễm trùng Candida auris, đã tăng gấp ba lần vào năm 2021 so với năm trước. Đây là một ví dụ điển hình về cách nấm và vi khuẩn dường như nhanh chóng phát triển để chống lại các phương pháp điều trị hiện có. Có những loại thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm mới đang được phát triển, nhưng vi khuẩn và nấm nói chung đã vượt xa các phương pháp điều trị này.
Mặc dù ngày càng có nhiều trường hợp kháng thuốc chống nấm, nhưng hầu hết các loại thuốc hiện có vẫn có hiệu quả. Trong những trường hợp khó điều trị, các bác sĩ có thể thử kết hợp các loại thuốc hoặc cố gắng tiếp cận khẩn cấp với các tác nhân thử nghiệm vẫn đang được xem xét.
TS. Lyman cho biết, số ca mắc và lây truyền Candida auris ngày càng tăng đáng lo ngại và nhấn mạnh nhu cầu cải thiện việc phát hiện các ca bệnh và kiểm soát lây nhiễm để ngăn ngừa lây lan.
Mời độc giả xem thêm video:
7 lợi ích của vitamin C