Hà Nội

Gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi sử dụng thuốc chống nôn

09-04-2022 13:36 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một nghiên cứu mới trên những người cao tuổi, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc chống nôn và tăng nguy cơ đột quỵ.

  • Một nghiên cứu gần đây cho thấy một số loại thuốc chống buồn nôn và nôn làm tăng gấp ba lần nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
  • Nguy cơ cao nhất đối với metopimazine, tiếp theo là metoclopramide và sau đó là domperidone.
  • Cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận các phát hiện.

Thuốc kháng dopaminergic (antidopaminergic -ADA) được sử dụng như một thuốc chống nôn có tác dụng ngăn chặn sự truyền dopamine đến ruột và vùng kích hoạt thụ thể hóa học trong não, chịu trách nhiệm chuyển tiếp tín hiệu gây ra nôn mửa.

Nghiên cứu mới đã xác định 3 ADA là: Domperidone, metoclopramide và metopimazine (domperidone và metopimazine không được FDA chấp thuận sử dụng để điều trị buồn nôn và nôn ở Hoa Kỳ).

photo-1649480206549

Tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người cao tuổi dùng thuốc chống nôn.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu của 2.612 người lớn từ cơ sở dữ liệu của hệ thống chăm sóc sức khỏe hoàn trả của Pháp từ năm 2012 đến năm 2016. Những người tham gia nghiên cứu đã trải qua một cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ ban đầu, so sánh dữ liệu của người tham gia với nhóm đối chứng được chọn ngẫu nhiên không trải qua đột quỵ do thiếu máu cục bộ (so sánh theo độ tuổi, giới tính và các yếu tố nguy cơ).

Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 71,9 tuổi, và khoảng một phần ba là nam giới. Khoảng 97% những người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ đã nhận được một loại thuốc ADA.

ADA làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp ba lần

Nghiên cứu cho thấy những người tham gia nhận ADA nói chung có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn 3,12 lần so với nhóm đối chứng sau khi điều chỉnh các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Metopimazine làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ 3,62 lần, metoclopramide 3,53 lần và domperidone 2,51 lần.

Các nhà nghiên cứu cho biết, metopimazine và metoclopramide vượt qua hàng rào máu não, kiểm soát sự di chuyển của các chất từ máu lên não, còn domperidone thì không, nên nguy cơ thấp hơn.

Cân nhắc rủi ro so với lợi ích khi dùng thuốc chống nôn

TS.DS Anne Besnard-Laribièr, Đại học Bordeaux và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: Việc sử dụng ADA đã biết trước những nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng (loạn nhịp thất), tác dụng ngoại ý thường xuyên (rối loạn vận động, rối loạn ngoại tháp khác)… Tuy nhiên, lợi ích của ADA có thể lớn hơn nguy cơ ngăn ngừa các biến chứng buồn nôn/nôn nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đối với việc điều trị triệu chứng buồn nôn hoặc nôn nhẹ có thể cần liệu pháp khác. Đối với tất cả các loại thuốc, chỉ sử dụng khi cần thiết về mặt y tế là một trong những biện pháp giảm thiểu tốt nhất đối với những rủi ro đã biết và những rủi ro tiềm ẩn của thuốc. TS.DS Anne Besnard-Laribièr nhấn mạnh.

Mời độc giả xem thêm video:

Món ăn bổ dưỡng từ thịt gà


Ngọc Bích
(Theo MNT)
Ý kiến của bạn