Gia tăng người trẻ mất ngủ và cách khắc phục

29-04-2017 07:41 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Tại khoa khám bệnh, tỉ lệ bệnh nhân đến khám mất ngủ rất cao, chiếm tới 60 - 70%, trong đó cũng có rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi. Đây là chia sẻ của GS.TS. Nguyễn Trọng Hưng, Giảng viên Bộ môn Thần kinh Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Đào tạo- Chỉ đạo tuyến- Nghiên cứu khoa học Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

Tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi trên 60 tuổi hiện nay ngày càng nhiều, chiếm hơn 10% dân số.  Có đến 60 - 70% bệnh nhân cao tuổi đến khám ở trung tâm lão khoa than phiền là mất ngủ. Do cuộc sống hiện đại nhiều người bị stress trong cuộc sống, công việc căng thẳng, sức khỏe giảm sút, chế độ ăn uống không phù hợp... nên hay mất ngủ.

Mất ngủ gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh như: tâm lý mất thăng bằng, khẩu vị kém, giảm hiệu suất công việc, hay quên, lo âu, trầm cảm, dễ cáu gắt... và có thể dẫn đến một loạt các hậu quả sức khỏe nguy hiểm như: tăng nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, trầm cảm, lo âu, Alzheimer, động kinh...

GS.TS. Hưng cho biết, mất ngủ khiến chúng ta rất mệt mỏi, giảm chất lượng lao động cũng như sinh hoạt. Xã hội ngày càng phát triển, tỉ lệ mất ngủ ngày càng nhiều. Đối với các bệnh nhân trẻ tuổi, thanh niên mất ngủ thường do cường độ làm việc quá căng thẳng... Với tình trạng mất ngủ này, nếu biết điều chỉnh sinh hoạt, sắp xếp thời gian làm việc khoa học thì có thể khắc phục được. Ngược lại, nếu mất ngủ mà không điều chỉnh, thì tình trạng mất ngủ sẽ tiếp tục tái diễn, lúc đó mất ngủ sẽ trở thành chứng bệnh mạn tính. do đó phòng bệnh mất ngủ phải được thực hiện ngay từ khi còn trẻ bằng cách làm việc và sinh hoạt khoa học.

Vì vậy, người trẻ tuổi cần lên lịch khoa học cho việc học tập, làm việc và có thời gian nghỉ thư giãn. Học tập và làm việc hợp lý, tránh làm việc quá khuya, hạn chế các chất kích thích ( cà phê, trà đặc, thuốc lá, rượu, bia…) trước khi ngủ nên có một số động tác như tập yoga, đi bộ hay tắm nước ấm... Điều này sẽ có lợi cho giấc ngủ và giúp bệnh nhân ngủ ngon hơn. Đối với người cao tuổi, thực hiện chế độ lao động vừa sức, sinh hoạt khoa học và điều trị các bệnh mạn tính nếu có. Ngoài ra, cần luyện tập đều đặn bằng cách đi bộ nhẹ nhàng và  chú trọng vào chế độ ăn uống, dinh dưỡng.

Tình trạng mất ngủ gây nhiều hệ lụy

Chia sẻ về dinh dưỡng để  khắc phục mất ngủ, TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải, chuyên gia về dinh dưỡng cho biết: Hiện nay nhất là xã hội hiện đại, xu hướng nhiều người đang sợ thừa cân béo phì nên thay đổi trong ngày ăn 1 bữa chính và nhịn đói bữa tối nên tình trạng mất ngủ cũng sẽ xảy ra. Ở nhóm thường xuyên tiệc tùng, liên hoan ăn nhiều quá vào bữa tối cũng gây tình trạng mất ngủ do bộ máy tiêu hóa phải làm việc quá sức.

Về dinh dưỡng, chuyên gia khuyến cáo, kể cả bệnh nhân mất ngủ thì việc chuyển bữa sáng thành bữa chính là rất tốt. Vì bữa sáng ăn như một bữa chính sẽ là một cách nạp đầy đủ năng lượng cho 1 ngày vì sau một đêm, năng lượng đã tiêu hao hết. Bữa tối cần ăn đồ nhẹ, dễ tiêu và  ăn vừa đủ để giúp hệ thống tiêu hóa giảm nhẹ sẽ ngủ ngon hơn.

Tâm sen giúp ngủ ngon

Đối với việc khắc phục cách mất ngủ  bằng thảo dược,TS. BS. Trần Thái Hà - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết có thể sử dụng  tâm sen. Theo đông y, tâm sen nằm trong nhóm thuốc điều trị mất ngủ. Tâm sen vị đắng, tính hàn, an tâm giúp an thần, hỗ trị điều trị mất ngủ. Có thể sử dụng kèm mật ong, bởi mật ong cũng là một vị thuốc điều trị mất ngủ. Vì vậy, tâm sen kèm mật ong rất tốt cho bệnh nhân mất ngủ nhất.  Bên cạnh đó, có thể sử dụng tâm sen hãm để uống có thể uống nhiều lần trong ngày. Hoặc có thể sắc với vị thuốc khác như vị lạc tiên, táo nhân sao (hạt táo chua) có thể sắc làm nước uống trước khi đi ngủ nửa tiếng đến 1 tiếng.

Tuy nhiên, nếu mất ngủ kéo dài và thường xuyên bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.


Nguyễn Lan
Ý kiến của bạn