Hà Nội

Gia tăng mắc bệnh thủy đậu ở trẻ em tại nhiều tỉnh miền Bắc, cha mẹ đừng chủ quan

03-04-2023 15:55 | Y tế
google news

SKĐS - Tại một số tỉnh miền Bắc, số ca mắc thuỷ đậu có dấu hiệu tăng lên, chủ yếu thường gặp ở trẻ em với khả năng lây lan rất cao. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, hay xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

Trẻ mắc thủy đậu có xu hướng gia tăng 

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP. Bắc Kạn, ngày 25/3 trên địa bàn thành phố phát hiện ổ dịch thủy đậu tại trường tiểu học Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn) với 19 ca mắc, ghi nhận đến ngày 29/3 đã có 21 ca mắc thuỷ đậu.

Ca bệnh thủy đậu đầu tiên ghi nhận tại địa phương vào ngày 9/3, là học sinh lớp 4 của Trường tiểu học Phùng Chí Kiên. Hiện nay trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã có tổng cộng gần 30 ca mắc thủy đậu.

Nhằm khống chế và kiểm soát dịch thủy đậu, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn đã điều tra xác minh các ca bệnh, ổ dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Điều tra, giám sát tại các hộ gia đình ghi nhận ca bệnh, các trường học và khu vực ổ dịch, nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Bác sĩ khám và điều trị cho các học sinh mắc bệnh thuỷ đậu (ảnh Trung tâm Y tế TP. Bắc Kạn)

Bác sĩ khám và điều trị cho các học sinh mắc bệnh thuỷ đậu (ảnh Trung tâm Y tế TP. Bắc Kạn)

Cũng theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận gần 400 ca mắc thủy đậu. Riêng Trạm Y tế phường Kim Tân (Thành phố Lào Cai) đã ghi nhận 48 ca mắc thủy đậu từ đầu năm đến nay. Các trường hợp này đa số tại các trường học mầm non, tiểu học trên địa bàn phường.

Để hạn chế tối đa sự lây lan trên địa bàn, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các nhà trường tổ chức phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, đồ chơi, đồ dùng học tập, thiết bị bán trú. Đồng thời hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị bệnh cho trẻ, triển khai biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội cho biết, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 548 ca thuỷ đậu. Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%) tại 18/30 quận, huyện. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, đa phần ghi nhận bệnh nhân ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Thủy đậu gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Trưởng khoa, phụ trách khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt 1 – Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh thủy đậu (dân gian thường gọi là bỏng rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus thủy đậu có tên Varicella zoster (VZV) gây nên. Virus này có thể lây truyền từ mẹ sang con qua bánh rau khi mang thai hoặc trẻ mắc do tiếp xúc với các giọt bắn trong môi trường chứa virus thủy đậu (lây truyền qua đường hô hấp) hoặc tiếp xúc trực tiếp với người chăm sóc bị nhiễm bệnh.

Cũng theo TS. BS Nga chia sẻ, trẻ em mắc thủy đậu, đặc biệt trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong cao, lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Trẻ nhiễm thủy đậu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn. Đồng thời có thể để lại các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tuỷ, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hay một vài biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.

Cha mẹ không chủ quan khi bé mắc bệnh thủy đậu (nguồn Internet).

Cha mẹ không chủ quan khi bé mắc bệnh thủy đậu (nguồn Internet).

Những dấu hiệu nhận biết trẻ có dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu, TS. BS Nga cho hay, việc chẩn đoán thủy đậu ở trẻ có thể dựa vào biểu hiện lâm sàng với biểu hiện đặc trưng là các tổn thương mụn nước trên da. Chẩn đoán xác định bằng cách phát hiện virus thủy đậu trong dịch nốt phỏng, trong mảnh sinh thiết mô và hay trong dịch não tủy bằng phương pháp PCR.

Ngoài ra, đối với trẻ em sức đề kháng yếu, khi bị thủy đậu bên cạnh xuất hiện các nốt mụn sẽ kèm theo hiện tượng sốt.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh không nên chữa trị tại nhà cho trẻ khi nhiễm bệnh mà hãy đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán. Mặc dù bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn từ 1 đến 2 tuần. Thế nhưng nếu không điều trị đúng cách sẽ gây nên nhiều biến chứng như nhiễm trùng da nơi mụn nước, hay gây nhiễm trùng máu do vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu.

Hiện nay, miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa, độ ẩm cao với nền nhiệt thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu bùng phát. Đặc biệt, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện do vậy trẻ rất dễ mắc bệnh thủy đậu, cha mẹ cần bổ sung thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ.

Cách Chăm Sóc Trẻ Đúng Khi Mắc Thủy Đậu Để Tránh Bị Sẹo | SKĐS


Hồng Ngọc
Ý kiến của bạn