Gia tăng gánh nặng bệnh tật do béo phì

14-07-2017 18:14 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tỷ lệ thừa cân và béo phì đang gia tăng trên toàn cầu làm gia tăng tỷ lệ tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến béo phì nhiều hơn bao giờ hết...

Tỷ lệ thừa cân và béo phì đang gia tăng trên toàn cầu làm gia tăng tỷ lệ tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến béo phì nhiều hơn bao giờ hết - Đó là kết luận của một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine.

Béo phì và những con số

Phân tích 20 nước đông dân nhất trên thế giới, từ năm 1980 đến năm 2015, tỉ lệ béo phì được chuẩn hóa theo độ tuổi tăng gấp đôi ở 13 trong số 20 quốc gia. Tỷ lệ béo phì được chuẩn hóa theo tuổi ở người trưởng thành cao nhất là Ai Cập (35,3%) và ở trẻ em cao nhất được ghi nhận ở Hoa Kỳ (12,7%).

Năm 2015, Mỹ và Trung Quốc có số người béo phì ở độ tuổi trưởng thành cao nhất. Cũng trong năm này, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước có số trẻ béo phì nhiều nhất.

Gia tăng béo phì và bệnh tật ở trẻ em

Báo cáo Chương trình Bệnh tật Toàn cầu đã phân tích các xu hướng về tỷ lệ thừa cân và béo phì trên toàn thế giới giữa trẻ em và người lớn trong khoảng 35 năm, những con số thu được rất đáng báo động. Trong năm 2015, ước tính khoảng 107,7 triệu trẻ em và 603,7 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới bị bệnh béo phì. Tỷ lệ béo phì chung là 5% ở trẻ em và 12% ở người lớn. Sự gia tăng tỉ lệ béo phì ở trẻ em tại các quốc gia liên quan đến việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng dẫn đến sự dư thừa trong tiêu thụ năng lượng và tăng cân. Và đó là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới: Tỷ lệ béo phì ở trẻ em tăng liên tục trong suốt giai đoạn 35 năm ở hầu hết các quốc gia.

Béo phì làm gia tăng gánh nặng bệnh tật.

Béo phì làm gia tăng gánh nặng bệnh tật.

Mặc dù tỷ lệ béo phì ở trẻ em thấp hơn tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành, nhưng đáng lưu ý là ở một số nước, tỷ lệ gia tăng béo phì ở trẻ em đã cao hơn tỉ lệ gia tăng béo phì ở người trưởng thành.

Trẻ em bị béo phì có nguy cơ bị các bệnh giống như người lớn nhưng nặng hơn vì thời gian bệnh kéo dài. Khi trẻ bị béo phì, chức năng tâm lý xã hội kém, giảm thành công trong học tập và thường không khỏe mạnh. Rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và kháng insulin thường thấy ở trẻ em béo phì và rối loạn lipid máu xuất hiện liên quan tới tăng tích lũy mỡ trong ổ bụng. Những rối loạn lipid máu, huyết áp và insulin máu ở trẻ em sẽ kéo dài dẫn đến các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường. Trẻ em bị béo phì có thể bị các biến chứng về mặt giải phẫu. Nghiêm trọng là bệnh Blount - một dị dạng xương chày do phát triển quá mạnh, dễ bị bong gân mắt cá chân. Hơn nữa, các biến chứng gan ở trẻ em béo phì đã được ghi nhận, đặc biệt đặc tính nhiễm mỡ gan và triệu chứng tăng men gan. Ngoài ra, còn các biến chứng khác như: Nghẽn thở khi ngủ có thể gây chứng thở quá chậm và thậm chí ở những trường hợp nặng có thể gây tử vong.

TS. Edward W Gregg - Ban đái tháo đường tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) và TS. Jonathan E Shaw - Ban sức khỏe về lâm sàng và dân số tại Viện Tim mạch và Đái tháo đường Baker tại Melbourne (Úc) đặc biệt lưu tâm đến một số nước đang phát triển, có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Brazil và Indonesia, nơi có tỷ lệ béo phì tăng gần gấp 3 lần ở trẻ em và người trưởng thành. Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường gia tăng ở trẻ em sẽ làm chuyển dịch tăng lên tỷ lệ bệnh tật ở độ tuổi trung bình và làm cho gánh nặng bệnh mạn tính lan rộng hơn trong toàn bộ bản đồ phân bố tuổi tác, ngay cả khi dân số tiếp tục già đi.

Nguy cơ gia tăng các bệnh mạn tính

Đối với người trưởng thành, béo phì còn là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý nguy hiểm: Bệnh lý tim mạch; Bệnh lý đường hô hấp, người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, ngừng thở khi ngủ, béo phì càng nặng thì rối loạn nhịp thở càng nhiều; Bệnh lý đường tiêu hóa (bệnh trĩ, gan nhiễm mỡ); Rối loạn nội tiết (phụ nữ béo phì thường bị rối loạn kinh nguyệt, khó có thai, nguy cơ vô sinh cao; nam giới béo phì  thường yếu sinh lý, nguy cơ vô sinh); Bệnh lý xương khớp (dễ bị thoái hóa khớp do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp)...

Tuổi thọ giảm do béo phì

TS. y khoa Christopher JL Murray - Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) tại Đại học Washington, Seattle cùng các đồng nghiệp trong Báo cáo Chương trình Bệnh tật Toàn cầu (Global Burden of Disease) mới công bố vào giữa tháng 6 vừa qua cho biết: Từ năm 1990 đến năm 2015, tỷ lệ tử vong toàn cầu liên quan đến béo phì tăng 28,3%. Và con người đang mất đi nhiều hơn tuổi thọ của mình.

Trong nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu đã đánh giá một cách có hệ thống các ảnh hưởng sức khỏe của vấn đề chỉ số BMI cao. Trong đó cho thấy, trọng lượng cơ thể vượt quá mức đã gây ra khoảng 4 triệu người chết và mất đi 120 triệu năm tuổi thọ. Gần 70% số ca tử vong liên quan đến BMI cao là do bệnh tim mạch, trong số đó, hơn 60% số ca tử vong xảy ra ở những người béo phì.

TS. Murray và các đồng nghiệp nhấn mạnh rằng gánh nặng bệnh tật đang gia tăng song song với sự gia tăng đáng kể và rộng rãi của tỷ lệ béo phì toàn cầu trong 3 thập kỷ qua. Bệnh béo phì vẫn là một vấn đề chính về sức khỏe cộng đồng ở cả hai nhóm: các nước đã phát triển và các nước đang phát triển.

Chỉ ngửi mùi thức ăn cũng khiến bạn béo

Mùi hương của món ăn đóng vai trò chính trong việc thưởng thức bữa ăn. Vì vậy, không ngạc nhiên khi những con chuột mất khứu giác kiểm soát được cân nặng so với những con chuột có khứu giác bình thường. Theo các nhà khoa học Đại học California, Berkeley, Mỹ, nghiên cứu này cho thấy một cách tiếp cận mới để giảm cân ở người.

Nghiên cứu do GS sinh học phân tử và tế bào Andrew Dillin và Celine Riera đứng đầu. Theo đó, các chuyên gia cho rằng khứu giác giúp con người lựa chọn và đánh giá thực phẩm, cảm giác mùi sẽ tăng lên trước bữa ăn và có khuynh hướng giảm sau đó. Tiến hành thí nghiệm trên chuột mất khứu giác tạm thời và chuột có khứu giác bình thường để xem xét sự cân bằng giữa tiêu thụ thực phẩm và tiêu hao năng lượng của chúng. Hai nhóm chuột này được cho ăn lượng thực phẩm như nhau nhưng trọng lượng nhóm chuột mất khứu giác giảm 10% trong khi chuột nhóm có khứu giác bình thường vẫn giữ nguyên trọng lượng. Điều này cho thấy việc không ngửi thấy mùi thức ăn sẽ không tăng cân, trong khi người ngửi thấy nhiều mùi thức ăn sẽ càng dễ béo phì. Theo GS. Andrew: Việc tiêu hao năng lượng tăng lên và sự tăng cường khả năng đốt cháy chất béo là hệ quả của hoạt động thần kinh giao cảm được thúc đẩy. Lúc này, cơ thể giải phóng adrenalin và kích hoạt việc đốt cháy chất béo nâu, đối với việc mất khứu giác, quá trình đốt cháy chất béo nâu diễn ra nhanh hơn và nhanh giảm cân hơn.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cell Metabolism.
Quốc Cường Theo NA, 7/2017)


DS. Nguyễn Hải Đăng
Ý kiến của bạn