F0 tăng, nhân viên y tế chịu áp lực cao
Những ngày này, các nhân viên của trạm y tế xã và trạm y tế lưu động thuộc xã Long Thới, huyện Nhà Bè đang căng mình hỗ trợ các F0 trên địa bàn. Dù nhân lực hạn chế nhưng họ vẫn phải đảm nhiệm một lúc nhiều công việc như lấy mẫu, chăm sóc, điều trị, phát thuốc… cho các bệnh nhân...
BS Lê Tấn Đức, trạm y tế xã Long Thới, huyện Nhà Bè cho hay, thời gian qua lượng F0 trên địa bàn xã tăng cao. Hiện nay, tại xã Long Thới có 418 ca F0 cách ly tại nhà nhưng trạm y tế chỉ có 5 người, trạm lưu động chỉ có 2 người. Vì vậy trạm gặp rất nhiều khó khăn, áp lực lên nhân viên y tế ở đây là rất lớn.
"Hiện tại các F0 cách ly tại nhà nên ý thức của người dân phải rất là cao. Trạm y tế đề nghị UBND xã phát thanh hàng ngày để cho người dân biết để biết cách phòng ngừa cho mình và người thân của mình. Nhân viên y tế ở đây rất áp lực nhưng chúng tôi phải tự linh hoạt. Hàng ngày nhân viên trạm y tế xã và trạm lưu động lấy mẫu, sau đó phải đi truy vết những ca nhiễm trong cộng đồng, khoanh vùng ổ dịch... Chúng tôi làm từ sáng đến chiều, nhiều hôm không được nghỉ trưa ", BS Đức cho biết.
Tại TP.HCM, Quận 12 đang là địa phương có số ca bệnh cách ly tại nhà cao nhất với khoảng 10.000 ca. Sở Y tế TP.HCM đã bổ sung thêm 20 trạm y tế lưu động cho địa phương này, do các bệnh viện Da liễu, Mắt, Bình Dân, Y học cổ truyền đảm trách.
BS Trần Hồng Ly, BV Da liễu TP.HCM tăng cường cho trạm y tế lưu động số 13, Quận 12 cho biết, BV Da liễu cử đội hình gồm 10 y bác sĩ đến 5 trạm y tế lưu động ở 5 phường của Quận 12.
Theo BS Hồng Ly, riêng tại phường Tân Thới Nhất, mỗi ngày có khoảng 80-100 ca test nhanh dương tính. Số ca bệnh có xu hướng tăng vì trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp sản xuất, giáp Quốc lộ 1A và các khu công nghiệp Tân Bình, Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Bà Điểm (huyện Hóc Môn), tập trung đông công nhân từ các tỉnh miền Tây, miền Trung. Theo phân công, một bác sĩ và một điều dưỡng sẽ chăm sóc 100 ca F0.
Tăng cường trạm y tế lưu động
Trong vài tuần qua, số lượng F0 tăng, nhất là tại các quận, huyện vùng ven như Quận 12, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Gò Vấp, Bình Tân do công nhân đang trở lại nhà máy, được yêu cầu xét nghiệm toàn bộ trước khi đi làm và phát sinh F0. Mới đây, Sở Y tế TP.HCM quyết định bổ sung thêm các trạm y tế lưu động do các bệnh viện thành phố và quận, huyện đảm trách.
Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng mô hình các trạm y tế lưu động hoạt động rất hiệu quả. Vấn đề là khi thực hiện mô hình này nhân sự phải bảo đảm cho các trạm y tế lưu động.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, hiện nay, quy mô các trạm y tế lưu động không giống như giai đoạn dịch cao điểm. Do đó, tuỳ theo diễn biến dịch bệnh, Thành phố đang có kế hoạch duy trì, thành lập mới trạm y tế lưu động sao cho tương xứng với số F0 tại các địa phương. Vì vậy, nhân sự huy động hỗ trợ cũng sẽ có thay đổi.
Theo đó, Sở Y tế sẽ tăng lực lượng chuyên môn, mỗi trạm tăng cường 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng; các địa phương chịu trách nhiệm huy động một số tình nguyện viên để hỗ trợ các công việc khác.
Ông Nguyễn Hữu Hưng cũng thông tin, những ngày gần đây, 70 trạm y tế lưu động đã được tăng cường cho những khu vực có số ca F0 tăng cao. Hiện các địa phương cũng đang xây dựng kế hoạch, kịch bản, tình huống liên quan để Sở Y tế lên danh sách cán bộ y tế sẵn sàng điều động khi có nhu cầu.
Trước đó, do tình trạng số lượng F0 tăng, nhất là tại các Quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, Sở Y tế TP.HCM quyết định bổ sung thêm 33 trạm y tế lưu động do các bệnh viện thành phố và quận, huyện đảm trách.
Cụ thể, Quận 12 thêm 20 trạm, huyện Bình Chánh thêm 8 trạm, huyện Hóc Môn thêm 4 trạm và quận Bình Tân 1 trạm. Như vậy, TP.HCM đã nâng tổng số lên 250 trạm y tế lưu động, bên cạnh 310 trạm y tế. Trước đó, lúc đỉnh dịch TP.HCM có 550 trạm y tế lưu động.
Bên cạnh đó, ngoài việc tăng cường lực lượng từ các bệnh viện cho các trạm y tế lưu động, TP.HCM cũng đã kích hoạt lại mạng lưới thầy thuốc đồng hành, thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch.
Tính từ 16h ngày 15/11 đến 16h ngày 16/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.183 trường hợp mắc mới tại TP.HCM.
Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 446.359 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Bàng hoàng: Bác sĩ nổi tiếng Lương Lễ Hoàng qua đời vì COVID-19 | SKĐS