Tại các bệnh viện, số bệnh nhân đột quỵ không ngừng tăng, đặc biệt vào những ngày nắng nóng. Nhận biết sớm những dấu hiệu của đột quỵ và xử trí đúng cách sẽ giúp hạn chế những tai biến do đột quỵ gây ra.
Trong tháng 4/2015, Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) đã tiếp nhận điều trị 775 ca, trong đó số người trẻ bị đột quỵ gia tăng trong thời gian gần đây, chiếm 10% - 15% tổng số bệnh nhân điều trị.
Theo thống kê của Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, bệnh viện đã tiếp nhận 32 bệnh nhân đột quỵ. So sánh với cùng kỳ năm trước, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi 50 vào viện chiếm 75% thì năm nay, con số này lên đến 91,2%.
Nắng nóng là tác nhân thúc đẩy các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, đặc biệt ở người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… Nắng nóng khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi, gây mất nước, giảm khối lượng máu, làm thiếu hụt lượng máu nuôi não dẫn đến đột quỵ não. Nắng nóng cũng làm tăng thân nhiệt, gây rối loạn chức năng điều phối hoạt động sống của hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn hô hấp và tuần hoàn, suy giảm lượng máu nuôi não dẫn đến đột quỵ. Nắng nóng còn gây rối loạn hoạt động của hệ tim mạch, làm tim hoạt động kém, suy giảm hiệu suất tống máu, kèm theo sự giãn mạch, gây ra tình trạng thiếu máu nuôi não và nhiều cơ quan khác cũng dẫn đến đột quỵ.
Thạc sĩ Vũ Hồng Anh