Gia tăng chỉ số hài lòng của dịch vụ y tế
Vừa qua, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, Oxfam Việt Nam công bố báo cáo chỉ số hài lòng người bệnh. Bộ Y tế cho biết, từ tháng 9/2016 - 11/2017, Cục Quản lý Khám chữa bệnh là đầu mối chủ trì hợp tác với các chuyên gia của mạng lưới sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tiến hành xây dựng và khảo sát thí điểm chỉ số hài lòng người bệnh Việt Nam (PSI). Kết quả chỉ số PSI được tiến hành thí điểm thông qua khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện dựa trên danh sách gần 140.000 bệnh nhân nội trú ở 29 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia chương trình khảo sát thí điểm. Trong số 29 bệnh viện khảo sát, có 24 bệnh viện tuyến tỉnh, 5 bệnh viện tuyến huyện. Không có bệnh viện tuyến Trung ương nào tham gia chương trình khảo sát thí điểm lần này.
Kết quả khảo sát gần 3.000 bệnh nhân nội trú và người nhà đi theo chăm sóc ở 29 bệnh viện cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98/5, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt gần 80% so với kỳ vọng.
Một điểm khá bất ngờ là người bệnh có thẻ BHYT đã hài lòng hơn so với người không có BHYT. Đồng thời, bệnh nhân nghèo cũng có mức độ hài lòng cao hơn người không nghèo, với mức chênh lệch ở các vấn đề từ 0,1 - 0,2 điểm; người sống ở nông thôn hài lòng hơn người thành phố. Người bệnh sử dụng dịch vụ theo yêu cầu có mức độ hài lòng cao hơn không yêu cầu.
Nâng cao chất lượng y tế nhằm đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Vẫn còn dịch vụ chưa hài lòng
Theo Bộ Y tế, trên thực tế, không có một bệnh viện nào có thể đáp ứng được 100% kỳ vọng của người bệnh. Theo báo cáo PSI, ngoài những vấn đề được người bệnh “hài lòng”, nhóm nghiên cứu đã thẳng thắn đưa ra những yếu tố khiến người bệnh “kém hài lòng”. Ở tuyến tỉnh và tuyến huyện, yếu tố khiến người bệnh kém hài lòng nhất là cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh, chỉ khoảng 3,74 điểm; những yếu tố này đòi hỏi chi phí đầu tư cao hơn nên sự thay đổi diễn ra chậm hơn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.
Tiêu chí nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số PSI thấp nhất (3,58 điểm), tiếp theo là tiêu chí chi phí khám, chữa bệnh và chất lượng giường, chăn, ga, gối, đệm. Không ít bệnh nhân bày tỏ không hài lòng với việc quần áo, chăn, ga giường bệnh khi cả tuần không được thay giặt, thậm chí có bệnh viện, quần áo bệnh nhân còn bị sờn rách. Tình trạng cơ sở vật chất vẫn còn rất thiếu thốn dẫn đến bệnh nhân nội trú nằm ở phòng thường sau khi phẫu thuật phải nằm ghép, gây bức xúc cho bệnh nhân và người nhà người bệnh.
Có thể thấy, thời gian qua, mức độ hài lòng của người bệnh đối với các bệnh viện, đặc biệt các bệnh viện tuyến Trung ương đã tăng lên và chiếm tỷ lệ cao. Đây là điều đáng mừng của ngành y tế sau một loạt những giải pháp nhằm nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng khám, chữa bệnh và xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế.