Theo khảo sát của phóng viên Báo Sức khoẻ và Đời sống, giá thuê phòng ở các khu vực trung tâm, gần các trường đại học như Dịch Vọng, Quan Hoa, Trần Thái Tông, Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Chùa Láng, Pháo Đài Láng, Láng Hạ (quận Đống Đa)… đều tăng cao. Trung bình người thuê phải mất từ 3-5 triệu đồng/tháng cho một phòng khép kín có diện tích từ 20-25m².
Thậm chí có những phòng có giá từ 5-8 triệu đồng/tháng, được gọi là chung cư mini. Không đủ chi phí, nhiều sinh viên phải ở trong các khu trọ có điều kiện tồi tàn, không đảm bảo an toàn, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống và học tập.
Chia sẻ với Báo Sức khoẻ và Đời sống, Hồng Nhung (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, "Năm nhất khi bắt đầu xuống nhập học, em thuê phòng ở ghép với một bạn nữa tại khu vực Cầu Giấy để tiện đi lại. Trung bình một tháng hai người sẽ mất khoảng 4,5 triệu cho chi phí phòng trọ kèm tiền điện nước, dịch vụ. Năm nay, chúng em quyết định chuyển đến quận Bắc Từ Liêm, xa trường học khoảng 10 km để tiết kiệm chi phí chỗ ở. Hàng ngày đều phải đi học từ sớm vì cảnh tắc đường, nhưng chúng em chấp nhận vì đã chán cảnh chật vật xoay sở tiền trọ như năm trước".
Dù mặt bằng chung giá thuê trọ đã cao, nhiều chủ nhà còn tăng giá một cách vô lý mà không cải thiện hoặc duy trì chất lượng căn hộ. Không chỉ tăng giá phòng, chủ nhà còn có thể tăng phí quản lý, dịch vụ gửi xe, tiền điện, tiền nước,...
Kim Ngân (sinh viên Đại học Ngoại thương), hiện đang thuê phòng trọ ở quận Đống Đa cho biết, trong quá trình tìm nhà, Ngân đã khảo sát giá điện, nước, dịch vụ chung của khu vực. Trung bình giá điện dao động từ 3-4.000 đồng/ số, giá nước là 25-30.000 đồng/ khối. Ngoài ra còn một loạt chi phí khác như phí quản lý phòng trọ, phí vệ sinh chung, phí gửi xe,...
"Ở căn phòng hiện tại, dù là ở ghép nhưng mỗi tháng em vẫn cần khoảng 400.000 đồng cho những khoản ngoài tiền phòng. Là một sinh viên chưa có thu nhập, đây là con số khá lớn", Kim Ngân nói.
Do không thể cáng đáng được số tiền thuê trọ hàng tháng nên sinh viên buộc phải tìm người lạ để ở ghép. Nhiều em lựa chọn ở 2, 3 thậm chí 4 người để tiết kiệm chi phí. Những câu chuyện dở khóc dở cười cũng bắt đầu từ đây.
Là một sinh viên ngành y, Hải Đăng thường phải ôn bài đến tối muộn. Tuy nhiên, bạn cùng phòng lại có thói quen chơi điện tử buổi đêm, ảnh hưởng lớn đến mức độ tập trung của Đăng. Dù bạn đã đeo tai nghe, nhưng việc nói chuyện lớn tiếng với các thành viên khác trong trò chơi điện tử lúc phấn khích vẫn khiến Đăng không thể tập trung được. Thói quen sinh hoạt của mỗi người là khác nhau nên hòa hợp được rất khó.
"Bạn bè em đi ở ghép, người thì khó chịu vì bạn cùng phòng tự tiện dùng đồ đạc cá nhân, người ngán ngẩm vì bạn dắt người lạ về phòng. Nhưng nếu ở riêng, sinh viên như chúng em hầu như không có khả năng chi trả. Em và nhiều bạn nữa đến giờ vẫn loay hoay tiếp tục tìm phòng trọ, bạn trọ phù hợp. Chưa kịp tận hưởng niềm vui trở thành tân sinh viên, em đã phải mất ăn mất ngủ nghĩ đến cách tiết kiệm tiền phòng và chi phí sinh hoạt hàng tháng", Hải Đăng cho hay.