Gia tăng các vụ cướp ngân hàng: Làm sao bịt lỗ hổng an ninh?

02-10-2017 08:00 | Pháp luật
google news

SKĐS - Trong thời gian qua, liên tục các vụ cướp ngân hàng đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, khiến dư luận rất hoang mang.

Với tính chất manh động, thủ đoạn tinh vi, cộng với sự liều lĩnh của đối tượng gây án khiến dư luận rất lo ngại về công tác bảo vệ tại ngân hàng, cũng như sự an toàn của nhân viên và khách hàng khi đến ngân hàng giao dịch.

Liên tiếp vụ cướp ngân hàng táo tợn

Mới nhất, vào chiều ngày 27/9, dư luận tại Vĩnh Long cũng như trên cả nước xôn xao trước vụ cướp táo tợn nhằm vào một phòng giao dịch ngân hàng ở tỉnh này. Cụ thể, vào khoảng 15h20 ngày 27/9, một người đàn ông (khoảng trên dưới 40 tuổi) đội mũ bảo hiểm màu đỏ, bịt mặt, đeo găng tay xông vào Phòng giao dịch chi nhánh Khu công nghiệp Hoà Phú (huyện Long Hồ), nghi phạm móc súng đe doạ những người có mặt nằm xuống, ném túi xách về phía nhân viên buộc bỏ tiền vào bên trong. Lo sợ nghi phạm sử dụng súng thật, nhân viên ngân hàng đã làm theo yêu cầu tên cướp và cho tiền vào túi. Lấy được tiền, tên cướp tay xách túi, tay cầm súng ra lấy xe tay ga hiệu Airblade không có biển số, nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Qua thống kê sơ bộ của ngân hàng thì số tiền bị cướp trên 200 triệu đồng.

Sau gần 2 ngày điều tra, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ và được sự hỗ trợ tích cực của người dân, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã dựng lại được hiện trường vụ án và phác họa sơ đồ các tuyến đường đối tượng đi qua trên đường tẩu thoát, đồng thời thu thập hầu hết các vật chứng liên quan đến vụ án (chiếc cặp, mũ bảo hiểm...) đối tượng vứt bỏ trên đường trốn chạy. Với những đặc điểm nhận dạng và dấu vết thu được từ các vật chứng, Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã đủ cơ sở khẳng định đối tượng thực hiện vụ án đã tự sát, lực lượng cảnh sát đã thu giữ được bức thư tuyệt mệnh, với nội dung người này thừa nhận chính là thủ phạm gây ra vụ cướp.

Gia tăng các vụ cướp ngân hàng: Làm sao bịt lỗ hổng an ninh?Nghi phạm (trong vòng tròn) dùng súng đe dọa các nhân viên trong vụ cướp ngân hàng Vietcombank Chi nhánh thị xã Duyên Hải, Trà Vinh.

Trước đó, ngày 21/9, tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, TAND tỉnh Trà Vinh đã xét xử lưu động đối với bị cáo Lê Lâm Hưng (29 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh, nguyên kỹ sư điện làm việc tại Ban quản lý dự án nhiệt điện 3) và tuyên phạt bị cáo này 20 năm tù về tội “cướp tài sản”. Theo cáo trạng, bị cáo Hưng là kỹ sư điện làm việc tại Ban quản lý dự án nhiệt điện 3 nhưng dính vào cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng và thua số tiền lớn buộc phải vay nợ. Bị chủ nợ đòi, Hưng nảy sinh ý định cướp ngân hàng nên lên TP.HCM mua súng nhựa (bắn đạn bi), áo khoác, khẩu trang chờ cơ hội gây án. Ngày 26/4, Hưng đậu xe máy trước cửa ngân hàng Vietcombank chi nhánh thị xã Duyên Hải, mang theo hai túi xách cùng khẩu súng bước vào bên trong phòng giao dịch chĩa súng, đe dọa 6 nhân viên ngân hàng. Hưng buộc nhân viên ngân hàng lấy tiền bỏ vào hai túi xách, số tiền gần 1,6 tỷ đồng cùng 3.590 USD. Vài ngày sau, đối tượng đã bị bắt.

Vì sao các đối tượng thường chọn các chi nhánh ngân hàng để ra tay?

Phân tích về các vụ cướp ngân hàng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, Đại tá, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn (Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an) cho biết, đối tượng gây ra vụ cướp ngân hàng tại các trụ sở nơi trung tâm đông đúc rất hiếm khi xảy ra. Còn thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ cướp ngân hàng ở những chi nhánh nằm ở thị trấn, huyện lỵ nơi không có đông người đến giao dịch. Lý giải nguyên nhân này, Đại tá, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn cho biết,  ở những địa bàn trung tâm thành phố, trụ sở ngân hàng lớn thường được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Từ hệ thống camera quan sát, đến lực lượng bảo vệ chuyên trách được bố trí đầy đủ, tinh thần cảnh giác, phương án xử lý tình huống đều có… Còn những chi nhánh ngân hàng không phải ở trung tâm, người có trách nhiệm tại đây thường có tâm lý chủ quan nghĩ sẽ không có cướp nên công tác phòng ngừa lơ là; từ phương tiện quan sát, lực lượng bảo vệ, cách thức phòng vệ, cách thức xử lý tình huống khi xảy ra không được quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, những đối tượng muốn thực hiện hành vi cướp ngân hàng, chúng đã nghiên cứu, tìm hiểu những nơi có sự lơ là, mất cảnh giác để thực hiện hành vi. Cụ thể, chúng sẽ quan sát, nghiên cứu về quy luật hoạt động của chi nhánh ngân hàng đó, địa hình thế nào, giờ mở cửa, giờ đóng cửa, chỗ nào có thể tiếp cận được, chỗ nào có thể khống chế được nhân viên dễ nhất, lấy được tiền nhanh nhất và tẩu thoát nhanh nhất. Kẻ phạm tội không cần có đồng bọn, đối tượng chỉ mất có vài phút để lấy tiền và dễ dàng tẩu thoát. Đặc điểm của loại tội phạm này là chúng không cướp ở trụ sở lớn, không cướp số tiền lớn, vì như thế rất khó thực hiện nên chúng thực hiện việc cướp nhỏ. Hành vi của các đối tượng manh động, nhưng đã tính toán rất kỹ. Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, điều quan trọng nhất là phải luôn cảnh giác, phải lên sơ đồ bảo vệ, từ chỗ giao dịch, chỗ để tiền; khi có tình huống nhân viên tránh chỗ nào, báo động thế nào.Việc phòng ngừa chặt chẽ, đối tượng muốn cướp khi nghiên cứu thấy không có sơ hở, chúng sẽ không dám thực hiện.


T. Vinh – Thanh Quang
Ý kiến của bạn