Gia tăng các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh, đe dọa tính mạng bệnh nhân

21-11-2019 14:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, các chủng vi khuẩn Gram âm đa kháng như Acinetobacter baumanii, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn Gram âm đường ruột và các chủng vi khuẩn Gram dương như tụ cầu vàng kháng methicillin MRSA, là các căn nguyên nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng người bệnh đang không ngừng gia tăng, đã gây khó khăn rất nhiều trong quá trình điều trị.

Bạn sẽ làm gì khi có thành viên trong gia đình bị cảm lạnh? Và kháng sinh không phải lúc nào cũng là câu trả lời. Hãy theo dõi mẹ Thông Thái, bố Mạnh Mẽ, bé Xinh, bé Tồ, bà Biết Tuốt, bác hàng xóm Tốt Bụng, dược sĩ Tin Cậy và bác sĩ Tận Tâm – cộng đồng thông thái của chúng tôi – và để họ chỉ cho chúng ta cách sử dụng kháng sinh thông minh. Nguồn: WHO.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kháng kháng sinh xảy ra khi chúng ta lạm dụng hoặc dùng kháng sinh sai mục đích. Vi khuẩn tiến hóa và có khả năng kháng lại những kháng sinh từng được dùng để điều trị nhiễm khuẩn do chúng gây ra.

Hưởng ứng tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do WHO phát động (từ ngày 18/11/2019 đến ngày 24/11/2019), Bệnh viện Hữu Nghị đã tổ chức Lễ phát động “Tuần lễ truyền thông về kháng thuốc 2019” cho các nhân viên y tế với chủ đề “Quản lý sử dụng kháng sinh cho tương lai: KHÔNG lạm dụng – KHÔNG dùng sai chỉ định”.

Hiện nay, vấn đề kháng thuốc của vi khuẩn, đặc biệt là sự xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng, toàn kháng kháng sinh đang trở thành mối lo ngại và thách thức với toàn cầu, là nỗi ám ảnh đối với các bác sĩ điều trị. WHO đã khẩn thiết kêu gọi các quốc gia cùng chung tay phòng chống kháng thuốc thông qua khẩu hiệu: Quản lý sử dụng kháng sinh cho tương lai: KHÔNG lạm dụng – KHÔNG dùng sai chỉ định”.

Phát động “Tuần lễ truyền thông về kháng thuốc 2019” cho các nhân viên y tế tại BV Hữu Nghị.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: Trong những năm qua tại Bệnh viện Hữu Nghị các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh đã và đang gia tăng. Các chủng vi khuẩn Gram âm đa kháng như Acinetobacter baumanii, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn Gram âm đường ruột và các chủng vi khuẩn Gram dương như tụ cầu vàng kháng methicillin MRSA, là các căn nguyên nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng người bệnh đang không ngừng gia tăng, đã gây khó khăn rất nhiều trong quá trình điều trị.

Trước thực trạng vi khuẩn đề kháng kháng sinh gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu, Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đã ra đời và thực hiện ở nhiều nước. Tại Việt Nam, năm 2016 Bộ Y tế đã chính thức ban hành quy định Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong Bệnh viện. Bệnh viện Hữu Nghị cũng đã khẩn trương thiết lập chương trình và đã triển khai có hiệu quả. Bước đầu mức độ tiêu thụ các kháng sinh trong nhóm hạn chế kê đơn đã có xu hướng giảm.

Các chuyên gia của WHO nhấn mạnh, dùng kháng sinh cần đúng bệnh, đúng liều, đúng chỉ dẫn.

Cán bộ y tế đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh. Hãy trao đổi với người bệnh về tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh hợp lý và về sự nguy hại mà lạm dụng hoặc dùng kháng sinh sai mục đích đem lại. Chỉ kê kháng sinh cho người bệnh khi cần thiết.

Sự hiệu quả của kháng sinh trong tương lai nằm trong tay chúng ta. Hãy chung tay làm giảm tình trạng kháng kháng sinh và trở thành Nhà quản lý kháng sinh cho tương lai - thông điệp của WHO nêu rõ.

Đề kháng kháng sinh là một mối đe dọa phát triển và sức khỏe toàn cầu đang tiếp tục leo thang, WHO ước tính có hơn 50% kháng sinh ở nhiều quốc gia được sử dụng không phù hợp như chỉ địng kháng sinh để điều trị nhiễm vi rút hoặc sử dụng kháng sinh sai (phổ rộng hơn), do đó góp phần vào việc lan truyền đề kháng kháng sinh.
Một trong những mối quan tâm cấp bách nhất hiện nay là sự lây lan của vi khuẩn gram âm kháng thuốc, bao gồm Acinetobacter, Escherichia coli và Klebsiella pneumoniae. Các vi khuẩn này, thường thấy ở bệnh nhân nhập viện, gây ra các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng máu, vết thương hoặc nhiễm trùng vết mổ và viêm màng não. Khi kháng sinh không còn hiệu quả, việc điều trị trở nên tốn kém hơn, gây tổn thất nặng nề cho ngân sách.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn