Gia tăng ca mắc COVID-19, TP.HCM tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine

14-04-2023 08:40 |
google news

SKĐS - Số ca mắc COVID-19 ở TP.HCM giảm dần từ đầu năm 2023 và hiện vẫn đang ở mức thấp, tuy nhiên bắt đầu có dấu hiệu gia tăng trong 2 tuần gần đây. Để chủ động ứng phó với COVID-19, TP.HCM tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) sáng 14/4 cho hay, từ đầu năm đến nay, thông qua hệ thống giám sát ca bệnh COVID-19, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 158 ca mắc COVID-19. Số ca mắc giảm dần từ đầu năm 2023 và hiện vẫn đang ở mức thấp, tuy nhiên bắt đầu có dấu hiệu gia tăng trong 2 tuần qua.

Đáng lưu ý, trong nước cũng đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng ở các tỉnh phía Bắc.

Gia tăng ca mắc COVID-19, TP.HCM tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine - Ảnh 1.

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 được ghi nhận trong 15 tuần đầu năm 2023. Ảnh: HCDC

Để chủ động ứng phó với COVID-19, TP.HCM tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19. Ngành y tế khuyến cáo, vaccine phòng COVID-19 hiện nay dù còn hạn chế trong hiệu quả phòng lây nhiễm biến chủng Omicron, nhưng vẫn phòng được ca nặng và nhập viện, tử vong một cách hiệu quả

Theo Nghị quyết 38 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng chống COVID-19, mục tiêu trong phòng chống COVID-19 là giảm tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả phòng chống dịch. Do đó một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai).

TP.HCM sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19, huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.

Gia tăng ca mắc COVID-19, TP.HCM tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine - Ảnh 2.

Nhiệm vụ quan trọng hiện nay của ngành y tế là tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai).

Theo đó, TP.HCM chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh, tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo các văn bản hướng dẫn để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án trong thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng bệnh tiếp tục được tăng cường. Tình hình dịch bệnh, khuyến cáo thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch sẽ được thường xuyên cập nhật.

Đối với người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) cùng với vaccine. Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khi đến các nơi công cộng, các cơ sở khám chữa bệnh, trong không gian kín và các địa điểm bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ.

Người dân cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo phòng, chống dịch, không lơ là chủ quan, đặc biệt trong thời gian sắp tới, khi cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ dài, gia tăng sự giao lưu nên nguy cơ lây nhiễm cũng sẽ tăng.

TP.HCM yêu cầu QLTT kiểm soát chặt việc buôn lậu trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch COVID-19TP.HCM yêu cầu QLTT kiểm soát chặt việc buôn lậu trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

SKĐS - UBND TP.HCM yêu cầu, trong năm 2023 tăng cường kiểm soát các mặt hàng như thực phẩm chức năng; dược phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền; trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch…


Kim Vân
Ý kiến của bạn