Gia tăng ca bệnh do Zika: Không hoang mang, nhưng cũng chớ chủ quan

02-11-2016 08:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - TP. Hồ Chí Minh vừa ghi nhận thêm 12 ca nhiễm virut Zika, nâng số bệnh nhân mắc bệnh này tại thành phố lên 17.

TP. Hồ Chí Minh vừa ghi nhận thêm 12 ca nhiễm virut Zika, nâng số bệnh nhân mắc bệnh này tại thành phố lên 17. Đồng thời, trường hợp trẻ nhỏ đầu tiên mắc hội chứng đầu nhỏ nghi ngờ liên quan đến virut Zika cũng đã được phát hiện tại Việt Nam. Thực tế của tình hình dịch bệnh này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan.

Cả nước đã có 23 trường hợp mắc Zika

Theo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, các ca bệnh đều được phát hiện thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh mà Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai. Như vậy, đến thời điểm này, tại Việt Nam đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm virut Zika, trong đó có 17 trường hợp ở TP. Hồ Chí Minh. Các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đăk Lăk mỗi tỉnh có 1 trường hợp nhiễm virut Zika.

Ngày 31/10, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh nhằm tìm các giải pháp hạn chế sự ảnh hưởng của virut Zika. Tại buổi làm việc, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, TP. Hồ Chí Minh có dân số đông, giao lưu, đi lại nhiều, vấn đề vệ sinh môi trường, nhà ở, ý thức phòng bệnh của một bộ phận người dân vẫn chưa cao. Trong khi đó, thành phố cũng đang trong cao điểm mùa bệnh sốt xuất huyết. Do cùng một véc-tơ truyền bệnh là muỗi vằn nên việc phát sinh thêm các trường hợp nhiễm virut Zika là không thể tránh khỏi.

Trước đó, ngày 30/10, Cục Y tế dự phòng khẳng định, em bé bị đầu nhỏ ở Đăk Lăk “nhiều khả năng do virut Zika” và là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam mang dị tật này. Vì vậy, tại buổi làm việc với Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng yêu cầu Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh khẩn trương tìm các biện pháp bảo vệ phụ nữ mang thai trong giai đoạn này, trong đó chú trọng tư vấn, tầm soát và bảo vệ cho phụ nữ mang thai.

Zika gây nguy hiểm cho bà mẹ mang thai ở thời điểm nào?

Liên quan đến dịch bệnh do virut Zika, TS. Trần Đắc Phu bày tỏ quan ngại, dịch bệnh Zika bùng phát, lo nhất là các thai phụ. Các bà mẹ không nên hoang mang nhưng phải biết cách chủ động phòng bệnh. Các biện pháp diệt bọ gậy, lăng quăng vẫn được đẩy mạnh nhưng không thể đảm bảo không có con muỗi nào, vì thế quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh cá nhân: mặc áo dài tay, xoa kem chống muỗi, ngủ màn ngay cả vào ban ngày... Tuy nhiên, TS. Phu cũng trấn an người dân không phải trường hợp thai phụ nào nhiễm Zika cũng gây ra hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi. Tỷ lệ bà mẹ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng này rất thấp, 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ.

Các chuyên gia cho biết thêm, virut Zika chỉ gây nguy hiểm đối với các bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu. Từ tuần thứ 14 trở đi, nếu thai phụ có nhiễm Zika cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai nhi, nhất là trí tuệ. Điều đáng lo ngại là việc phát hiện thai nhi bị dị tật đầu nhỏ thường ở giai đoạn rất muộn và không có biện pháp can thiệp điều trị nào ngoài đình chỉ thai nghén.

Để có thể giúp chẩn đoán sớm biến chứng đầu nhỏ ở thai nhi, điều quan trọng là các thai phụ cần đi khám đúng theo lịch hẹn đã quy định, đặc biệt là từ tuần 16 đến tuần thứ 22 để đo cấu trúc hệ thần kinh.

Các địa chỉ xét nghiệm chẩn đoán virut Zika ở Việt Nam gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ TW; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Nha Trang; BV Bệnh Nhiệt đới TW; BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Để phòng, chống dịch bệnh do virut Zika, Bộ Y tế

khuyến cáo:

* Phụ nữ đang mang thai và dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây nhiễm virut Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.

* Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu có phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn kịp thời.

* Phụ nữ có thai không nên quá lo lắng, thực hiện khám thai thường xuyên, định kỳ đồng thời chỉ tiến hành xét nghiệm để phát hiện nhiễm virut Zika khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh và có tư vấn, chỉ định của cơ quan y tế.

* Toàn dân tích cực tham gia chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy để phòng chống bệnh do virut Zika, bệnh sốt xuất huyết.

Thái Bình
Ý kiến của bạn