Số ca nhiễm bệnh cúm, hô hấp gia tăng
Hiện nay là thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh, là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển gây hậu quả là các bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới. Virus thường gặp trong thời điểm này là virus gây các bệnh về tai mũi họng, bệnh cúm, cảm lạnh…
Theo TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương cho biết, trong thời điểm giao mùa này, số bệnh nhân đến BV Phổi Trung ương khám tăng lên. "BV Phổi Trung ương là bệnh viện tuyến cuối, nên hầu hết các bệnh nhân đến đây khám bệnh liên quan đến các bệnh ở phổi và các bệnh hô hấp khác…. Thời điểm này cũng là dịp mà những bệnh nhân có sẵn bệnh nền như bệnh hô hấp như hen, COPD, bệnh nhân giãn phế quản, viêm phổi bùng phát…".
TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, khi bị nhiễm virus bệnh nhân sẽ bị suy giảm miễn dịch ở đường thở, những vi khuẩn đang tồn tại, cư trú ở đó sẽ phát triển, nhân lên và gây ra các bệnh hô hấp.
"Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối, thường xuyên phải tiếp nhận các bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên, nên chúng tôi hay gặp các bệnh nhân ở giai đoạn muộn. Lúc đó bệnh nhân thường ở giai đoạn muộn, có các biểu hiện khó thở do tổn thương phổi lớn, khiến bệnh nhân không có khả năng trao đổi khí. Bệnh nhân có thể có những biểu hiện nhiễm trùng nặng như ho khạc đờm mủ, có những túi mủ trong lồng ngực cần phải được dẫn lưu. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có ho ra máu", TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Cứ ho sốt là dùng kháng sinh, tự kê đơn thuốc cho mình
TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương cho biết, một trong những sai lầm phổ biến mà rất nhiều người bệnh mắc phải khi điều trị bệnh viêm đường hô hấp là bệnh nhân tự điều trị cho mình. "Khi khám bệnh, bác sĩ sẽ khai thác đầy đủ thông tin của bệnh nhân từ các triệu chứng lâm sàng, bệnh kèm theo, thậm chí làm các xét nghiệm để xác định chính xác bệnh gì để cho thuốc phù hợp." TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Một sai lầm mà nhiều người hay mắc phải nữa là dùng lại đơn thuốc cũ. Theo Trưởng khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương điều này không đúng bởi "Mỗi lần mắc bệnh là một hình thái khác nhau. Bệnh nhân có thể mắc bệnh giống lần trước hoặc có thể khác lần trước, nên người dân cần đến gặp bác sĩ để được khám và đánh giá chính xác."
Sai lầm phổ biến thứ 3 là bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp đến viện muộn, khi bệnh đã quá nặng. "Nếu bệnh nhân đến viện muộn chi phí chăm sóc y tế của bệnh nhân tăng lên, thời gian nằm viện lâu hơn, thậm chí phải đổi cả tính mạng", TS Ngọc nói.
Riêng trong bệnh cúm, cúm A…. mỗi khi có triệu chứng cúm như sốt cao, ho khan, đau đầu, mệt mỏi toàn thân…. người dân thường hay tự đi mua kháng sinh về điều trị, việc làm này hoàn toàn không có tác dụng với bệnh cúm.
Trưởng khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương khuyên rằng, đối với những bệnh nhân đã từng hoặc đang mắc các bệnh viêm đường hô hấp như những người đã từng bị hen phế quản, COPD, giãn phế quản, viêm phổi… nếu có bất cứ triệu chứng nào bất thường thì đó là những dấu hiệu của một đợt viêm cấp. Những trường hợp này nên đến bệnh viện khám để có được những chẩn đoán và điều trị phù hợp.
TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương tư vấn, đối với những người không có bệnh nền về hô hấp thì khi có những triệu chứng sau cần tới bệnh viện sớm để được thăm khám kịp thời:
- Ho kéo dài quá 7 ngày.
- Có sốt.
- Khó thở.
- Đau ngực….