Nam bệnh nhân L.Q. H (30 tuổi) ở Sầm Sơn- Thanh Hoá bị đau chân trái, đặc biệt là phần khớp háng trong thời gian dài, tuy nhiên vì còn trẻ nên bệnh nhân đã chủ quan không đi khámchuyên khoa mà mỗi lần đau quá thì ... dùng thuốc giảm đau là hết. Thời gian gần đây, cơn đau dày đặc và việc di chuyển đi lại khá khó khăn, đến lúc này bệnh nhân mới đến Bệnh viện Việt Đức thăm khám.
Qua thăm khám và khai thác bệnh sử của bệnh nhân, TS.BS Trần Hoàng Tùng- Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Chi dưới, Bệnh viện Việt Đức đã chỉ định bệnh nhân làm các chiếu chụp cận lâm sàng. Kết quả chụp cho thấy, bệnh nhân H. đã bị hoại tử chỏm xương đùi trái và phải phẫu thuật thay khớp háng toàn phần.
Hình cảnh chỏm xương đùi hoại tử của một bệnh nhân
Một trường hợp khác là bệnh nhân P.V.T (34 tuổi) ở Hải Dương cũng đến Bệnh viện Việt Đức với tình trạng gần như bệnh nhân H. Anh T. cũng đã được chỉ định phải phẫu thuật thay khớp háng toàn phần.
Theo TS.BS Trần Hoàng Tùng, điều đáng lưu ý là cả hai trường hợp này khi khai thác bệnh sử đều cho biết do hành nghề tự do và là nhân công xây dựng nên có tiền sử thường xuyên sử dụng rượu, đặc biệt là rượu trắng tự nấu.
Chia sẻ thông tin với chúng tôi, TS.BS Tùng cho hay, theo các thống kê từ trên 10 năm trước, hoại tử chỏm xương đùi, thoái hóa khớp háng hay gặp ở độ tuổi trên 60 tuổi, thậm chí là trên 70 tuổi, nhưng gần đây đáng báo động là số lượng người bệnh phải mổ thay một hoặc hai bên khớp háng lại tập trung lớn ở độ tuổi lao động dưới 60 tuổi.
“Chỉ tính riêng khoa Phẫu thuật Chi dưới, là một trong năm khoa thực hiện kỹ thuật mổ thay khớp háng tại Bệnh viện Việt Đức, trong 3 năm từ 2017 - 2019, mổ thay khớp háng cho 1.274 người bệnh, thì có tới 70,17 % số người bệnh là ở độ tuổi từ 18 - 60 tuổi, chủ yếu là nam giới (78,97%). Trong số này nhóm độ tuổi trung niên, độ tuổi "chín" về mọi mặt chiếm 78,99 % và đáng báo động là thoái hóa khớp háng nặng buộc phải thay khớp ở nhóm người bệnh trẻ tuổi (từ 18 - 40 tuổi) chiếm tới 21,01%, tăng rất cao so với các thống kê trước đó, chủ yếu là nam giới”- TS.BS Hoàng Tùng thông tin.
Tuy nhiên, đáng cảnh báo hơn cả theo BS Tùng là trong nhóm người bệnh trẻ tuổi này khi được hỏi có uống rượu thường xuyên hàng tuần hoặc hàng ngày không thì có tới 99,84% số trường hợp trả lời là có. Tỷ lệ uống rượu này thấp hơn ở nhóm người bệnh trung niên (41-60 tuổi) là 72,11%. Càng bất ngờ hơn nữa là có tới 61 trường hợp (4,79%) buộc phải thay khớp háng ở độ tuổi thanh niên (18-30 tuổi) có liên quan đến uống rượu.
TS. BS Trần Hoàng Tùng cùng các y, bác sĩ hội chẩn một trường hợp hoại tử khớp háng.
Trong số những người bệnh phải thay khớp háng có uống rượu thường xuyên thì có tới 84,27% số người bệnh bị hoại tử chỏm xương đùi cả hai bên chân. Loại rượu hay uống là rượu trắng tự nấu, rượu ngâm các loại hoa quả, củ, rễ... Việc cai rượu rất khó khăn, nhiều bệnh nhân ngay từ những ngày đầu sau mổ thay khớp háng xuất hiện loạn thần, rối loạn tâm thần do ngừng uống rượu, ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị.
“Đây là những con số thống kê tăng đáng báo động, tăng lên 70,17% ca bị hoại tử chỏm xương đùi ở độ tuổi lao động so với dưới 50% ở những năm trước, gây ảnh hưởng đến khả năng lao động, thu nhập của mỗi cá nhân và tập thể, là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội”- TS. BS Trần Hoàng Tùng nêu thực trạng
Bệnh diễn biến âm thầm, ban đầu chỉ là những cơn đau nhẹ thỉnh thoảng thoáng qua vùng khớp háng khiến người bệnh chủ quan không để ý đến. Các cơn đau ngày càng thường xuyên, đau tăng khi đứng lâu, đi lại nhiều hoặc khi thay đổi tư thế vận động như xoay, gập người, dạng chân...
Đau tăng dần kèm theo các ổ hoại tử tăng dần dẫn đến đi lại khập khiễng, vẹo trục cơ thể, giảm khả năng lao động. Khi người bệnh đau đến mức phải đi khám bệnh thường là đã đến các giai đoạn muộn của bệnh, điều trị chỉ giúp cho bệnh phát triển chậm lại chứ không thể điều trị khỏi hẳn. Đa phần bệnh nhân buộc phải mổ thay khớp háng nhân tạo một hoặc cả hai bên chân mới có thể đi lại ổn định và làm các công việc nhẹ được.
“Tuy nhiên mổ thay khớp háng là một đại phẫu thuật ẩn chứa rất nhiều rủi ro trong và sau mổ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời tuổi thọ khớp háng chỉ trung bình từ 10 -15 năm với chi phí thay lần đầu khoảng 70 -100 triệu đồng/1 chân (chưa kể các chi phí cho việc điều trị ngoại trú, tập phục hồi chức năng 3-6 tháng sau mổ), những lần thay sau càng khó khăn, nguy hiểm và tốn kém hơn lần đầu, đó quả thực là một gánh nặng suốt cả quãng đời còn lại không chỉ riêng đối với người bệnh”- TS.BS Trần Hoàng Tùng chia sẻ.