Theo BS. Giang, bệnh mề đay (hay còn gọi là bệnh mày đay) là bệnh ngoài da thường gặp trong chuyên ngành da liễu. Đa số bệnh nhân đến khám với các triệu chứng nổi ban đỏ, sẩn phù kèm theo xuất hiện tình trạng ngứa nhiều khó chịu.
Dù chỉ là bệnh ngoài da nhưng theo BS. Giang nếu người bệnh chủ quan không đi khám và điều trị kịp thời thì rất dễ bị những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân của bệnh mề đay được chia làm hai nhóm chính đó là có căn nguyên và không có căn nguyên. Trong đó nhóm có căn nguyên có thể do tiếp xúc với hóa chất, thức ăn, khói bụi, thời tiết... Thậm chí cũng có trường hợp bị mề đay do tiết nhiều mồ hôi, do tác động của áp lực bên ngoài với da.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác cũng có thể xuất hiện mề đay đó là do nhiễm khuẩn, đó có thể là nhiễm khuẩn từ răng miệng, đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa...
ThS.BS Quách Thị Hà Giang.
Đa số bệnh nhân bị mề đay chỉ có biểu hiện thương tổn ngoài da, nhưng mề đay cũng có thể gây nên biểu hiện nguy hiểm nếu người bệnh không đi khám và điều trị kịp thời.
BS. Giang cảnh báo, khi bị mề đay nhẹ thì thường nổi các ban đỏ, nốt sẩn phù trên da và gây nên cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày.
Trong trường hợp nặng, mề đay có thể xuất hiện triệu chứng toàn thân, ảnh hưởng đến hô hấp gây nên tình trạng co thắt, khó thở, ảnh hưởng đến đường tiêu hoá gây đau bụng, tiêu chảy.
"Một biến chứng tuy rất hiếm gặp nhưng cũng không nên chủ quan đó là gây nên tình trạng phản vệ với biểu hiện hạ huyết áp, sốc, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Vì thế, người dân không nên chủ quan dù chỉ với tổn thương da đơn thuần"- chuyên gia da liễu khuyến cáo.
Không tắm lá khi bị mề đay
Chuyên gia da liễu cũng tư vấn người dân cần đặc biệt lưu ý, khi bị mề đay dù nặng hay nhẹ cũng nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám. Tuyệt đối không được dùng các loại lá cây, bài thuốc truyền miệng để điều trị mề đay.
Hiện nay có rất nhiều bài thuốc, tắm lá cho người bệnh mề đay lan truyền trên mạng xã hội như tắm lá khể, tắm lá trầu... Tuy nhiên điều này là hoàn toàn sai lầm, bởi lẽ dùng các phương pháp này người bệnh dễ gặp phải những biến chứng như như viêm da tiếp xúc, gây bỏng rát da, xuất hiện bọng nước ở vùng đó.
Hình ảnh mề đay do lạnh ở cánh tay bệnh nhân. Ảnh minh hoạ.
Để điều trị bệnh mề đay, tùy vào tình trạng bệnh các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị cụ thể. Nếu nhẹ có thể dùng thuốc từ liều thấp đến liều cao. Còn nặng như xuất hiện tình trạng phản vệ thì phải cấp cứu, sử dụng thuốc theo phác đồ - BS. Giang cho hay.
Trong sinh hoạt nên mặc áo có chất vải mềm, không nên mặc quần áo quá bó sát cơ thể hoặc những loại vài có lông, sợi tơ cứng...
Việc ăn, uống cũng góp phần quan trọng trong việc phòng bệnh mề đay tái phát. Người bị bệnh mề đay nên kiêng các loại thức ăn dễ gây bệnh như tôm, cua, ốc, lạc, dứa… Không nên uống rượu, bia bởi các thức uống này là các yếu tố thuận lợi cho bệnh mề đay xuất hiện hoặc tái phát.
Giữ vệ sinh răng miệng, đường hô hấp trên miệng, mũi, hầu họng để tránh mắc các bệnh do vi khuẩn, virut. Hàng ngày, nên đánh răng sau bữa ăn và sau khi ngủ dậy; súc miệng bằng nước muối sinh lý.
Khi bị nổi mề đay, bạn cần hạn chế gãi để tránh gây xây xát, chảy máu tránh bội nhiễm da, mưng mủ dễ gây biến chứng nặng.