Nướng cá bằng cồn, để phích nước nóng trên cao, để bát cháo nóng trên bàn đúng tầm với của trẻ, đặt nồi cơm điện ở sàn nhà... Đây là những tình huống khiến cả người lớn và trẻ em bị bỏng phải nhập viện điều trị trong thời gian nắng nóng gần đây. Các bác sĩ cho biết, từ đầu hè đến nay, số ca cấp cứu, điều trị do bỏng tăng 15-20% so với bình thường... đồng thời cũng cảnh báo tình trạng tự điều trị bỏng đã khiến không ít nạn nhân bỏng thêm tổn thương sức khỏe...
Muôn lý do khiến người lớn, trẻ em nhập viện vì bỏng
Cùng bạn nướng cá bằng cồn cho tiệc liên hoan chia tay lớp, Linh (22 tuổi, Cao Bằng) bị ngọn lửa bốc cao khiến toàn bộ mặt, cổ và hai chân bị bỏng nặng. Điều trị tại Khoa Bỏng, BVĐK Xanh Pôn (Hà Nội) đã gần 2 tháng, toàn bộ khuôn mặt, vùng cổ, tay trái và đôi chân của Linh vẫn còn đỏ, vết bỏng loang lổ, nhiều nốt phỏng đã se lại. Không còn cảm giác đau rát kinh khủng như trước, nhưng giờ cô gái lại ngứa ngáy khó chịu. BS. Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, BVĐK Xanh Pôn cho biết, Linh bị bỏng rất nặng, vết bỏng sâu, đặc biệt là vùng má trái. Các bác sĩ dùng màng sinh học điều trị những vết bỏng, phải một thời gian nữa khuôn mặt của cô gái mới có thể trở về như cũ.
Chăm sóc bệnh nhân bỏng nặng. Ảnh: TM
Bé T.T.K, ở TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, nhập viện trong tình trạng tổn thương 10% diện tích cơ thể, trong đó 8% bỏng sâu, vết thương hoại tử tiết dịch mủ vừa, mùi hôi, nguy cơ gây biến dạng khớp gối, ảnh hưởng đến vận động. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, nghỉ hè, K. ở nhà đã lấy cồn ra đốt nghịch. Không may cồn cháy gây bỏng nặng. K. được cấp cứu và được điều trị tại một cơ sở y tế tư nhân ở TP. Vĩnh Yên, sau đó được chuyển tới Viện Bỏng Quốc gia. Bệnh nhân K. sau khi nhập viện đã được điều trị tích cực, ghép da. Kết quả da ghép bám tốt, vết bỏng dần phục hồi.
Theo lời bà nội bé trai P. M. T., 11 tháng tuổi ở Hà Nội bị bỏng nước sôi độ 2 đang nằm điều trị tại Khoa Bỏng- BVĐK Xanh Pôn, bà vừa đặt phích nước sôi để trên bàn ăn vì nghĩ cháu không với được. Ai dè thằng bé đang tuổi tập đi lao thẳng tới bàn với lấy phích nước thế là cả phích nước đổ xuống dội vào chân và đùi phải của bé.
Bé T.N.H. 2 tuổi, ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, bị bỏng nước sôi vùng thân và chi. Sau bỏng, bé được gia đình tự điều trị tại nhà bằng thuốc uống và thuốc bôi không rõ nguồn gốc. Sau 8 ngày tự điều trị, bé H. sốt cao, mệt nhiều, thở ậm ạch, vùng bỏng thấm dịch nhiều, gia đình mới đưa cháu đến cấp cứu tại BVĐK tỉnh Nam Định, nhưng do tình trạng bệnh nhân quá nặng, diễn biến xấu dần, bệnh nhân được chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia. Tại đây, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng...
Không chườm đá trực tiếp, bôi xà phòng, kem đánh răng... vào vết bỏng
Theo BS. Thống, từ đầu hè đến nay, số ca cấp cứu, điều trị do bỏng tăng 15-20% so với bình thường. Trong đó, người lớn thường bị bỏng do cồn; còn trẻ nhỏ bỏng nước sôi là chủ yếu, có trẻ mới vài tháng tuổi. “Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến dịp hè là các ca bỏng do cồn lại tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu do sự chủ quan của người nướng, tưởng lửa tắt là hết cồn nên tiếp tục đổ cồn vào trong khi đó lửa vẫn cháy cồn màu trắng nên khó nhận biết. Khi ngọn lửa bùng lên, nhiều người có phản xạ là rụt tay và làm rơi cả chai/lọ cồn xuống, ngọn lửa càng bùng mạnh và gây bỏng. Bỏng cồn thường là bỏng nặng, trên diện rộng cơ thể, bỏng đường hô hấp” - BS. Thống cảnh báo.
TS. Chu Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng Quốc gia cho biết thêm, trẻ em chiếm khoảng 50% tổng số nạn nhân bỏng, trong đó lứa tuổi 1-5 tuổi chiếm khoảng 50-60%. Đây là lứa tuổi trẻ rất hiếu động, thích khám phá tìm hiểu xung quanh nhưng lại chưa ý thức và chưa có khả năng phòng tránh các mối nguy hiểm. Trẻ em khi bị bỏng dù diện tích nhỏ cũng có thể gây rối loạn toàn thân, diễn biến bệnh bỏng thường phức tạp hơn, quá trình điều trị cũng gặp khó khăn hơn người lớn do các cơ quan chưa hoàn thiện.
Theo các bác sĩ, trên thực tế bỏng hoàn toàn có thể phòng tránh nhưng năm nào cũng vậy, vẫn có những tai nạn thương tâm xảy ra. Đối với trẻ em, hầu hết nguyên nhân dẫn đến bỏng là do sự bất cẩn của người lớn. Do đó, khi trẻ bị bỏng, cần phải nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng ra khỏi người trẻ, sau đó cởi hết quần áo một cách nhẹ nhàng, tránh làm trợt da trẻ. Nhanh chóng chuẩn bị một chậu nước sạch (không cần phải là nước đun sôi để nguội) với nhiệt độ từ 16-20 độ và nhúng vết bỏng vào nước. Tuyệt đối không được chườm đá trực tiếp, bôi xà phòng, kem đánh răng, các loại dầu mỡ vào vết bỏng của trẻ, lấy khăn sạch băng vết bỏng.
“Các trường hợp bị bỏng mà sử dụng thuốc Nam đắp lên vết bỏng sẽ gây đau, xót vết bỏng. Sau đó sẽ tạo thành lớp mủ bên dưới màng thuốc, từ đó gây sốt cao, rét run, co giật, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bị bỏng” - BS. Nguyễn Thống khuyến cáo.