Gia tăng "bà mẹ tuổi học trò": Lỗi do đâu?

24-04-2012 16:52 | Thời sự
google news

Hiện giờ, tuổi dậy thì của trẻ khá sớm; trong khi đó, trẻ không được trang bị kiến thức đầy đủ, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm nên thường hành động theo bản năng.

Hiện giờ, tuổi dậy thì của trẻ khá sớm; trong khi đó, trẻ không được trang bị kiến thức đầy đủ, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm nên thường hành động theo bản năng.

Thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các “bà mẹ nhí” đang ngồi trên ghế nhà trường. Điều đáng nói là phụ huynh, thầy cô và cả những em gái này trước đó không biết mình mang bầu, cho đến tận ngày sinh ra em bé thì tất cả mới ngỡ ngàng. Rõ ràng, việc giáo dục giới tính cho học sinh hiện nay còn quá nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH): Chưa chú trọng đến hoạt động tư vấn, phòng ngừa

PV: Ông có ý kiến gì về việc thời gian gần đây khá nhiều trẻ mang thai sớm, thậm chí đến khi chuyển dạ trong lớp, cha mẹ, thầy cô mới biết?

Ông Nguyễn Trọng An.
Ông Nguyễn Trọng An: Hiện nay chúng ta luôn “chạy theo đuôi” để xử lý các vụ việc xâm hại trẻ, chứ chưa chú trọng đến hoạt động tư vấn, phòng ngừa, phát hiện sớm những hành vi xâm hại trẻ. Mạng lưới tư vấn, hỗ trợ trẻ hiện nay giảm so với trước đây. Nếu trước đây có hơn 160.000 cộng tác viên (CTV)/11.000 xã nay chỉ còn 15.000 CTV/11.000 xã. Chỉ hơn 1 người/xã, mà mỗi xã có khoảng 23.0000 dân, làm sao làm xuể, nên thường khi trẻ bị hiếp dâm, mang thai mới phát hiện ra thì quá muộn.

Có thể nói, công tác phòng ngừa, hỗ trợ của chúng ta đang mỏng và yếu. Bên cạnh đó, pháp luật xử lý chưa nghiêm với những đối tượng có hành vi xâm hại trẻ. Hầu như những vụ việc đó là do hai bên tự thỏa thuận với nhau. Trẻ em ở ta còn thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng sống để biết cách tự bảo vệ mình. Thực tế là có nhiều trẻ bị "yêu râu xanh" dụ dỗ bằng kẹo, nước hoa... khơi dậy ham muốn của trẻ và coi đó là trẻ tự nguyện.

PV: Theo ông, việc mang thai sớm sẽ ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe và tâm sinh lý của trẻ?

Ông Nguyễn Trọng An: Mang thai sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Khung xương chậu và bộ phận sinh dục chưa phát triển đầy đủ, hệ thần kinh chưa hoàn thiện để làm mẹ. Vì vậy, nếu mang thai khi còn ít tuổi sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đẻ non. Nếu để sản phụ nhí này đẻ thường dễ bị băng huyết sau khi sinh và đứa con thường bị còi cọc, suy dinh dưỡng, có thể dẫn đến tử vong.

Những hậu quả về tinh thần cũng không kém phần nghiêm trọng. Trẻ dễ bị trầm cảm sau sinh, nặng thì bị tâm thần phân liệt do chưa chuẩn bị đủ tâm sinh lý để làm mẹ. Khi trẻ bị gia đình, bạn bè dè bỉu, chê bai, trẻ có thể trốn biệt xứ, thậm chí tự tử. Gặp phải cú vấp này khiến trẻ bị ám ảnh, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sau này.
Cha mẹ, nhà trường cần trang bị kiến thức giới tính cho trẻ mới lớn.

PV: Để ngăn chặn tình trạng đau lòng đó, theo ông cần có những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Trọng An: Theo tôi, cần có mạng lưới tuyên truyền, gồm đội ngũ cán bộ xã và CTV để phòng ngừa, phát hiện và giúp đỡ kịp thời. Cần có điều luật về vấn đề này, trước mắt cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và phạt nặng, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Đồng thời, cần có chính sách về quản lý thông tin như quản lý game, internet, tụ điểm buôn bán, sử dụng chất kích thích…; quản lý xuất nhập khẩu băng đĩa, loại thuốc kích dục… Để đạt hiểu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình - nhà trường, cộng đồng và luật pháp cũng phải thật nghiêm minh.

PV: Xin cảm ơn ông!. 

** TS tâm lý Nguyễn Kim Quý: Từ bậc mầm non phải dạy trẻ cách bảo vệ mình:

Hiện giờ, tuổi dậy thì của trẻ khá sớm. Trong khi đó, trẻ không được trang bị kiến thức đầy đủ, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm xã hội nên thường hành động theo bản năng. Cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, không là người bạn lớn để hiểu tâm sinh lý của trẻ, nắm được những dấu hiệu thay đổi trên cơ thể của trẻ.

Hậu quả là có những đứa trẻ bị chậm kinh đến 4 - 5 tháng mới biết mình có thai, khi đó việc xử lý đã quá muộn. Nếu để đẻ, bản thân trẻ bị áp lực quá lớn như bố mẹ mắng nhiếc, người yêu lại bỏ rơi, thầy cô, bạn bè xa lánh, dư luận xì xào… Khi gặp cú sốc này trẻ sẽ rất mặc cảm, bế tắc, tương lai mù mịt, dẫn đến trầm cảm, thậm chí nguy cơ tự tử cao.

Thực tế hiện nay nhà trường còn né tránh, e ngại khi dạy trẻ về vấn đề giới tính. Đáng lẽ từ bậc mầm non đã phải dạy trẻ cách bảo vệ mình, không được cho người khác chạm vào cơ thể. Nếu không được dạy đến nơi đến chốn, cái tôi của trẻ yếu sẽ không kiềm chế được khi bị khơi dậy những bản năng không lành mạnh. Để xảy ra những trường hợp trẻ mang thai ngoài ý muốn, đáng trách nhất vẫn là những bậc làm cha, làm mẹ.

** Em Đỗ Quỳnh Chi, Trường THPT Lý Thường Kiệt, Hà Nội: Chương trình dạy học thiếu thực tế

Em thấy những tiết học về giới tính trong bộ môn Sinh học thường rất khô khan, lý thuyết nhiều, thiếu thực tế làm bọn em không hứng thú. Mặc dù cấp hai em đã được học về sự phát triển bộ phận cơ thể nam nữ, thụ tinh, thụ thai, cơ sở khoa học của các biện pháp tránh thai… nhưng giờ em chẳng nhớ được điều gì.

Theo em, để hiệu quả, những tiết học này nên phân lớp thành hai nhóm nam nữ riêng. Thầy giáo dạy nam, cô giáo dạy nữ. Thầy cô giáo cần đưa những dẫn chứng trong thực tế để chúng em thảo luận, sau đó thầy cô định hướng cho chúng em biết như thế nào là đúng, thế nào là không nên. Ngoài ra, thầy cô chỉ cho chúng em những trang website tin cậy, để chúng em tìm hiểu thêm.

Chương trình dạy kỹ năng sống ở trong nhà trường dạy rất nhiều thứ, không chuyên sâu về vấn đề này, nên kiến thức thu được không nhiều. Muốn tìm hiểu thông tin, bọn em thường tìm hiểu qua mạng nhưng mỗi mạng đưa một kiểu chẳng biết đúng sai thế nào.

** Bà Bùi Thị Loan, giáo viên Trường THCS Hoàn Kiếm, Hà Nội: Nhà trường và phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ

Trong môn Sinh học, kiến thức về giới tính còn nặng về lý thuyết, vì thế, nếu cô giáo nào biết đưa vào bài giảng thực tế sinh động, giảm bớt lý thuyết hàn lâm sẽ làm học sinh hứng thú với môn học này hơn. Học sinh bây giờ dậy thì sớm, có em  có người yêu từ lớp 6 nên cần sớm giáo dục giới tính cho học sinh, dạy từ những năm cuối cấp I, đầu cấp II để các em biết cách bảo vệ mình, biết tác hại của việc quan hệ tình dục quá sớm, đặc biệt là biết cách phòng tránh thai.

Ở trường tôi còn có chương trình giáo dục kỹ năng sống, tổ chức mỗi tháng 1-2 lần. Tuy nhiên, để chương trình giáo dục giới tính hiệu quả hơn, thay vì mỗi tháng tổ chức 1-2 lần, mỗi lần dành một ít thời gian nói về vấn đề này thì có thể dồn lại thành một đợt kéo dài từ 5-7 ngày, chuyên sâu về giáo dục giới tính.

Chương trình cần có máy chiếu minh họa, tạo thành diễn đàn để học sinh đưa ra các tình huống thảo luận với nhau, hỏi đáp những vấn đề còn vướng mắc, sau đó cung cấp những đường link để các em về tìm hiểu thêm. Trường tôi cũng tổ chức những buổi nói chuyện với học sinh về vấn đề này.

Ngoài ra còn mời phụ huynh đến nói chuyện về tâm sinh lý lứa tuổi, chỉ cho họ cách giáo dục, nói chuyện giới tính cho con thế nào cho hiệu quả. Việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh chặt chẽ sẽ cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân, tránh hậu quả đáng tiếc.

Chị Đặng Thu Hà, Hoàng Mai, Hà Nội: Phải dạy đến nơi đến chốn

Khi con gái tôi bắt đầu dậy thì, vợ chồng tôi đã quan tâm đến việc giáo dục giới tính cho cháu. Mỗi ngày, tôi dành ra ít nhất 15 phút để mẹ con trò chuyện với nhau nên cháu rất tin cậy tôi, có chuyện gì cũng chia sẻ. Tôi cũng nói sơ qua cho cháu về việc mang thai, dạy con cách bảo vệ bản thân. Thấy cháu còn e ngại, chưa dám cởi mở về vấn đề này, tôi mua thêm sách báo để cho cháu tìm hiểu.

Khi trong cuộc sống xảy ra vấn đề gì, tôi kể với cháu, đặt ra các tình huống để hai mẹ con thảo luận. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên liên lạc, trò chuyện với cô giáo chủ nhiệm để nắm được những biểu hiện tâm lý của cháu ở lớp. Tôi thấy trẻ con ngày nay dậy thì sớm, môn Sinh lớp 8 mới cho các cháu học sự thụ tinh, thụ thai và quá trình phát triển của thai là hơi muộn. Cái này nên đưa vào chương trình lớp 6.

Khi dạy cũng phải dạy đến nơi đến chốn chứ nhiều giáo viên trẻ ngại đi sâu vào vấn đề này, thường nói qua loa đại khái, để các cháu tự tìm hiểu những nguồn tin không chính xác rất nguy hại. Ngoài dạy trên lớp, cô nên lập hộp thư riêng để học sinh có gì còn vướng mắc nhưng ngại hỏi chỗ đông người có thể hỏi cô qua email./.

TheoThu Hằng-Minh Thu/Báo TNVN


Ý kiến của bạn