Nhập lậu gia súc, gia cầm có chiều hướng gia tăng
Thời điểm này những năm trước nhiều người chăn nuôi đã rục rịch tái đàn để phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm. Tuy nhiên hiện nay, giá thịt gia súc, gia cầm đã tăng trở lại nhưng không ổn định cùng tâm lý e ngại dịch bệnh nên nhiều hộ chăn nuôi vẫn dè dặt đầu tư. Nguồn cung gia súc, gia cầm dịp cuối năm cũng đang là vấn đề đáng lo ngại, cùng đó là vấn đề nhập lậu gia súc gia cầm khiến lực lượng chức năng đau đầu.
Theo ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên ban hành rất nhiều văn bản, tổ chức các Đoàn công tác, các hội nghị quán triệt nhưng việc triển khai của các địa phương còn rất nhiều hạn chế. Số liệu báo cáo không phản ánh đúng thực tế, dẫn đến việc ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu gặp rất nhiều khó khăn.
Theo thông tin từ đại diện Cục Thú y, tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm tính đến thời điểm hiện nay có chiều hướng gia tăng. Trong đó, tập trung vào một số tỉnh trọng điểm như: Lạng Sơn phát hiện 31 vụ với 101.800 con gia cầm giống, 4.000 gia cầm thịt, 8.532 kg/sản phẩm động vật; tỉnh Cao Bằng phát hiện 59 vụ với 39.000 gia cầm giống, 347 gia súc, 16.012 quả trứng giống, 31.351 kg/sản phẩm động vật; tỉnh Long An với 5 vụ, tiêu hủy 68 con lợn, 26 con bò, xử phạt vi phạm hành chính 4 đối tượng với số tiền là 27 triệu đồng và khởi tố 03 bị can; tỉnh An Giang với 5 vụ, 35 con gia cầm, 97 con gia súc.
Gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không được đánh giá nguy cơ dịch bệnh trước khi nhập khẩu, không được lấy mẫu xét nghiệm sạch bệnh và không tuân thủ các quy định về kiểm dịch nhập khẩu, dẫn đến nguy cơ các bệnh động vật mới xâm nhập vào trong nước; các biến chủng virus ngoại nhập vào nước ta.
Ăn thịt động vật không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe con người
Điều đáng sợ là việc ăn thịt động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi bền vững, ảnh hưởng đến truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; gian lận thương mại, trốn thuế.
Trong khi thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.
Theo thông tin từ Hội Doanh Nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam, ông Phan Quang Minh cho biết, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam thông qua các đường tiểu ngạch.
Trong khi đó, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... Từ đó dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.
Việc ngăn chặn gia súc, gia cầm từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Muốn thực hiện nhiệm vụ này, cần có sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm vi phạm.
Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững sẽ giúp hạn chế dịch bệnh động vật truyền nhiễm nguy hiểm từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam và vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước, phát triển chăn nuôi bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.