Sau khi Bộ Tài chính siết chặt quản lý giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, các doanh nghiệp (DN) sữa lại tìm cách lách quy định bằng việc áp dụng chiêu ra sản phẩm mới, ngưng bán sản phẩm cũ, giảm trọng lượng lon sữa để không phải xin phép khi tăng giá.
Các hãng sữa đã dùng chiêu thay sản phẩm mới với giá bán tăng đáng kể so với sản phẩm cũ. Ví dụ như loại Enfa A loại 1,8kg của Mead Johnson đang bán với giá 805.000 đồng/hộp thì với mẫu mã mới, khối lượng và chất lượng không thay đổi lại bán với giá 850.000 đồng/hộp. Theo các DN chuyên nhập khẩu sữa bột về thị trường Việt Nam cho biết, khi bị quản lý giá, các hãng sữa sẽ có nhiều chiêu để lách, không chỉ bằng việc thay bao bì mới, rút bớt trọng lượng mà còn có thể điều chỉnh độ ẩm - một tỉ lệ nhất định để tăng lợi nhuận trong khi giá bán vẫn giữ nguyên.
Ảnh minh họa
Việc các DN sữa giảm trọng lượng sữa mà giữ nguyên giá bán chính là việc làm lừa dối khách hàng của mình. Còn việc các hãng sữa lợi dụng thay đổi mẫu mã lon sữa để tăng giá càng làm mất lòng tin người tiêu dùng. Điều này không chỉ gây bức xúc cho người tiêu dùng mà còn gây tốn kém, lãng phí cho DN (trong khi số tiền lãng phí này sẽ được tính vào giá để người tiêu dùng mua). Theo các chuyên gia kinh tế, trước áp lực sử dụng giá tối đa cho các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, việc các DN sữa lại tìm cách lách luật bằng việc đổi mẫu mã rồi đẩy giá sản phẩm, hoặc giảm trọng lượng để không phải xin phép khi tăng giá là điều họ sẽ làm. Như thế, về cơ bản, với những chiêu trò này, DN vẫn giữ được lợi nhuận cao và phần thiệt thòi vẫn thuộc về người tiêu dùng.
Việc các cơ quan chức năng vào cuộc nhằm bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và công bố kết quả thanh tra đã khiến người tiêu dùng rất mừng vì việc kiểm soát giá sẽ chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, niềm vui của người tiêu dùng ngắn chẳng tày gang thì đã lại phải lo bởi cả khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nhưng các DN vẫn “lách” để tăng giá thì người tiêu dùng khó có hy vọng. Chính vì thế, vấn đề là kiểm tra bám sát được giá bán và trọng lượng để đảm bảo giá trần được áp đúng nguyên tắc, giá đảm bảo áp theo chuẩn chung phải tính theo trọng lượng và chất lượng cụ thể. Ở đây, nhiệm vụ của cơ quan chức năng là cần kiểm tra chặt chẽ, nhận diện và ngăn chặn tiêu cực, đảm bảo mục tiêu quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có thông tin cụ thể về việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được thực hiện như thế nào. Cùng với đó, để đảm bảo người tiêu dùng có lợi và các DN sữa cạnh tranh bình đẳng hơn, không chỉ quản lý giá mà cơ quan chức năng phải kiểm tra sự thay đổi bên trong của sản phẩm. Đối với những kiểu lách luật như giữ nguyên giá bán nhưng giảm trọng lượng thực chất là hành vi gian lận thương mại, cần phải được xử lý nghiêm và công bố công khai, rõ ràng các sai phạm. Có như vậy mới kiềm chế được việc tăng giá sữa liên tục, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Trọng Hùng