Giả phụ huynh để trộm xe đạp điện của học sinh: Lòng tốt phải biết đặt đúng chỗ

13-04-2023 17:35 | Xã hội

SKĐS - Sự việc một học sinh lớp 6 bị kẻ gian lừa lấy mất chiếc xe đạp, nhiều phụ huynh băn khoăn không biết nên dạy con cảnh giác với người lạ hay thấy người gặp khó khăn phải giúp đỡ. Chuyên gia giáo dục cho rằng, phụ huynh nên dạy các con kỹ năng sống để xử lý những tình huống như vậy.

Thời gian qua, kẻ xấu đã dùng rất nhiều chiêu trò để lừa đảo phụ huynh, học sinh như gọi điện thông báo "con bị tai nạn phải nhập viện cấp cứu", hay một số học sinh nhận được cuộc gọi, tin nhắn đe dọa, gây áp lực với lý do phụ huynh nợ tiền… Và mới đây nhất, tại Hà Nội lại tiếp tục xuất hiện phương thức lừa đảo tinh vi khác cũng nhắm vào học sinh. Cụ thể là kẻ xấu giả làm phụ huynh của học sinh trong lớp để trộm xe đạp điện.

Theo thông tin Trường THCS Phan Chu Trinh gửi cảnh báo phụ huynh, chiều ngày 10/4, một học sinh lớp 6 của trường đã bị kẻ gian lừa lấy xe đạp điện bằng thủ đoạn tinh vi.

Theo đó, có đối tượng tự nhận là phụ huynh của một học sinh trong lớp (nói đúng tên học sinh) và nhờ học sinh có xe đạp điện chở ra một khu vực trong ngõ. Sau đó, đối tượng giả gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm để trao đổi (nói đúng tên cô giáo chủ nhiệm).

Tiếp đến, đối tượng mượn xe đạp điện của học sinh này để đi lấy đồ. Em học sinh trong tình huống đó đã tin tưởng và đồng ý cho đối tượng mượn xe. Tuy nhiên, học sinh này chờ mãi không thấy người mượn xe quay lại mới báo cho giáo viên chủ nhiệm và phát hiện mình đã bị lừa.

Từ sau sự việc này, nhiều phụ huynh đã cùng có chung một lo lắng rằng không biết phải dạy con như thế nào? Bởi nếu dạy con làm người tốt, biết giúp đỡ người khác thì ra đường sẽ dễ bị lừa, còn nếu dạy con không được tin ai, không giúp đỡ người trong lúc khó khăn thì cũng không nên.

Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã đem thắc mắc này của các bậc phụ huynh tới Chuyên gia giáo dục – TS. Vũ Thu Hương tìm câu trả lời.

Từ vụ giả làm mẹ của bạn học cùng lớp để trộm xe đạp điện: Cần đặt ra quy định về quản lý tài sản cho con - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh. Ảnh: Trường THCS Phan Chu Trinh

Nhiều vụ lừa đảo liên quan đến những đứa trẻ: Trẻ quá thiếu kỹ năng sống

Theo TS. Vũ Thu Hương, thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ lừa đảo có liên quan đến những đứa trẻ - nhóm yếu thế trong xã hội. Và từ những sự việc đó có thể dễ dàng thấy được trẻ quá thiếu kỹ năng sống. Chính điều này đã khiến các con dễ dàng rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo.

Chuyên gia cho biết, ngày nay, việc trẻ con đi học bị mất sách, vở, đồ dùng học tập xảy ra như cơm bữa, cứ mất là cha mẹ sẽ lại mua đồ mới cho dùng. Không giống như thời xưa, vì điều kiện khó khăn nên việc mất sách vở và đồ dùng học tập rất ít khi xảy ra. Bởi nếu không may làm mất thì sẽ không còn gì để dùng, điều này tạo nên một thói quen cho trẻ là biết giữ gìn đồ dùng của bản thân mình.

Cũng theo chuyên gia, việc cha mẹ cho rằng dạy con làm người tốt, biết giúp đỡ người khác thì ra đường dễ bị lừa là điều hoàn toàn sai. Bởi chắc chắn vẫn phải dạy con làm người tốt, nhưng cần tốt thế nào để vẫn luôn đảm bảo an toàn cho bản thân. Nếu không xác định rõ điều này thì cha mẹ đã hoàn toàn thất bại trong việc giáo dục con.

Cần phải đặt ra những quy định về quản lý tài sản cho con

"Trường hợp của học sinh lớp 6 bị lừa lấy cắp xe đạp điện, nếu cha mẹ dạy trẻ cần xác định về quyền sở hữu đồ dùng thì sẽ không có sự việc đáng tiếc như vậy. Trẻ có thể làm việc tốt bằng cách giúp "mẹ của bạn cùng lớp" gọi grap, hay nhờ bác bảo vệ, cô giáo gọi xe hộ… thay vì cho mượn xe.

Nếu con đặt ra một nghi vấn "tại sao người đó lại phải nhờ đến mình?" thì chắc chắn con đã cẩn trọng hơn. Nhưng khi đó con đã không hề đặt nghi vấn mà chỉ nảy sinh cảm xúc là "cần tốt bụng".

Người lớn là người có kinh tế, sẽ không cần nhờ đến đứa trẻ. Còn nếu người đó thực sự khó khăn, không có tiền để đi xe thật thì con sẽ cần phải nhờ đến những người lớn khác để trợ giúp, chứ không được tự mình giải quyết. Như vậy con vẫn làm được việc tốt mà không dễ bị gặp rủi ro", TS. Vũ Thu Hương phân tích.

Chuyên gia cho rằng, cha mẹ cần phải đặt ra những quy định về quản lý tài sản cho con. Các con chỉ được tốt trong phạm vi quy định, ngoài phạm vi quy định thì sẽ không được hiểu là lòng tốt.

"Ví dụ như con có 2 chiếc bút thì có thể cho bạn mượn, còn nếu con chỉ có một chiếc bút, một cục tẩy, một chiếc thước kẻ, một chiếc xe đạp… mà cho bạn mượn thì con sẽ dùng bằng gì? Và con cũng chỉ được phép cho người khác mượn đồ khi thực sự tin tưởng và cho mượn xong chắc chắn con phải lấy lại đồ", chuyên gia nhấn mạnh.

Từ vụ giả làm mẹ của bạn học cùng lớp để trộm xe đạp điện: Cần đặt ra quy định về quản lý tài sản cho con - Ảnh 2.

Cha mẹ cần phải đặt ra những quy định về quản lý tài sản cho con. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia, sẽ có vô vàn những kịch bản khác nhau, mỗi kịch bản sẽ tương ứng với những cách giải quyết khác nhau, cha mẹ cần đưa ra những kịch bản đó với con. Và cũng cần giúp con hiểu rằng, vì con còn nhỏ nên khi muốn giúp đỡ một ai đó thì cách tốt nhất là nhờ sự giúp đỡ từ người lớn chứ con không nên tự ý đưa ra quyết định.

"Như việc con thấy bạn mình trong đám cháy thì phải hô hoán, gọi người lớn đến giúp chứ không phải con lao vào đám cháy để cứu bạn. Và tương tự một người lớn mượn xe của con thì con cũng nhờ đến người lớn khác giúp đỡ chứ cũng không được cho mượn xe. Nhất là khi con chỉ có một chiếc xe mà vẫn cho người khác mượn và không chắc chắn có thể lấy lại thì tức là con đã không biết cách quản lý đồ dùng của mình", chuyên gia giáo dục nói.

TS. Vũ Thu Hương cũng khẳng định, vẫn luôn cần dạy con làm việc tốt, nhưng phải dạy con giúp đỡ bằng cách nào và chỉ được phép làm việc tốt trong phạm vi nào? Quan trọng hơn là hành động giúp đỡ đó có tuân thủ quy định của pháp luật hay không? Có đảm bảo tính an toàn hay không?

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Tóm Gọn Nữ Giúp Việc Quái Đản Mua Cưa Cắt Két Sắt Trộm Gần 3,5 Tỷ Đồng Của Chủ | SKĐS


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn