Mắc bệnh hiểm nghèo, phải thay huyết tương để điều trị, chi phí ban đầu đã lên tới 300 triệu đồng nhưng bệnh nhân lại không có Bảo hiểm y tế (BHYT). Gia đình đã vay mượn, xoay sở khắp nơi nhưng số tiền đó chỉ là muối bỏ bể trước căn bệnh hiểm nghèo. Đó là hoàn cảnh vô cùng éo le của bệnh nhân Nguyễn Thị Bàn (50 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) hiện đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - BV Bạch Mai. Thế nhưng, tại nhiều cơ sở y tế, trường hợp người dân không tham gia BHYT để rồi khi ốm bệnh mới thấy tiếc nuối lại không phải là hiếm…
Chị Bàn được xác định mắc hội chứng Guillain Barre - căn bệnh hiện nay không phải hiếm gặp ở Việt Nam, có tên tiếng Việt là viêm đa rễ thần kinh. Anh Nguyễn Quang Sức - chồng của chị Bàn cho biết, sau trận cảm cúm ngày 29/4, chị bắt đầu xuất hiện chứng tê bì chân tay, yếu 2 chân, sau đó lan lên tay và rất nhanh chóng vợ anh không thể vận động, đi lại được, rồi khó thở. Bệnh nhân đã được điều trị tại Khoa Thần kinh từ ngày 1/5, sau đó chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực ngày 5/5. Các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc hội chứng Guillain Barre gây liệt cơ hô hấp và có chỉ định điều trị hồi sức tích cực. Là gia đình thuần nông, thu nhập chủ yếu trông vào cây lúa, khi vợ nằm viện, anh Sức chưa biết trông cậy vào đâu. Anh chị em mỗi người một ít, hàng xóm cũng góp tay vào nhưng cũng chẳng thấm vào đâu với chi phí dự kiến bước đầu lên đến 300 triệu đồng. “Giá như cô ấy có BHYT thì gia đình em đâu đến nông nỗi này”, câu nói bỏ lửng của anh Sức cũng chính là trăn trở của các thầy thuốc trước những bệnh nhân như chị Bàn đang trong cơn nguy kịch tại Khoa Hồi sức tích cực của BV Bạch Mai.
Chị Bàn đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Mai Thanh
Không BHYT, chi phí điều trị lên tới gần 4 trăm triệu đồng. Đó là câu chuyện của 3 người trong một gia đình nghèo gồm vợ chồng bà Hà Thị Cúc, ông Chu Văn Mai cùng con trai Chu Văn Vinh (30 tuổi) bị ngộ độc nấm điều trị tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai. Anh con trai đã tử vong bì bệnh nặng, hai vợ chồng ông Mai và bà Cúc hồi phục với tiên lượng khá tốt. Tuy nhiên, khó khăn mà ông bà phải đối mặt sau vụ ngộ độc nấm là cả gia đình không có thẻ BHYT. Ở giai đoạn nguy hiểm, mỗi ngày, chi phí chữa trị lên tới 20-30 triệu đồng/người. Kinh phí nằm viện điều trị của cả gia đình đang nợ lên tới cả trăm triệu mà gia đình không còn lấy một đồng.
Một trường hợp khác là bệnh nhân L.H.Th (35 tuổi, Vĩnh Phúc) điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TW vì bệnh viêm màng não mủ, phải thở máy qua nội khí quản, đặt sonde dạ dày, sonde tiểu và rất nhiều xét nghiệm hàng ngày khác. Vì không có thẻ BHYT nên bệnh nhân phải chịu 100% chi phí điều trị. Vợ bệnh nhân cho biết, sau khi nhập viện, gia đình đã nộp 10 triệu đồng tiền đặt cọc. Vì công việc của hai vợ chồng là thợ xây và công nhân, thu nhập ít ỏi nên họ phải vay mượn người thân, bạn bè để có tiền điều trị. Vợ anh Th. ở ngay tại viện để chăm chồng và đỡ tiền thuê trọ. Chị cho hay, gia đình không tham gia BHYT vì thấy cả 2 vợ chồng còn trẻ, khỏe, ít khi đau ốm vặt nên chủ quan không mua thẻ BHYHT, đến lúc mắc bệnh nặng mới “ngấm đòn”…
May thay các trường hợp không tham gia BHYT kể trên đã được Phòng Công tác xã hội của các bệnh viện kêu gọi các tổ chức, cá nhân từ thiện chung tay góp sức để có kinh phí điều trị. Tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho rằng, về nguyên tắc, khi bệnh nhân còn cơ hội điều trị thì bệnh viện phải điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều lúc bệnh viện cũng như các tổ chức xã hội cũng không thể hỗ trợ được hết các trường hợp, vì vậy, BHYT rất cần thiết bởi lẽ: “BHYT là loại hình bảo hiểm lúc khỏe mua để tích lũy cho lúc ốm, nhưng không ít người dân Việt Nam đến lúc ốm mới đi mua BHYT”, GS.TS. Bình nêu thực trạng.
TS. Phạm Lương Sơn - phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay, một chiếc thẻ BHYT có mệnh giá là 650.000 đồng, nếu mua theo hộ gia đình thì từ người thứ 3 được giảm tới 40%. Theo ông Sơn, tham gia bảo hiểm mang tính chất nhân văn, phòng khi ốm đau để sử dụng, nếu may mắn không dùng đến thẻ BHYT thì cũng là cách giúp đỡ cộng đồng khi có người bệnh nặng.