Cuộc sống của sinh viên ngoại tỉnh tất bật với những nỗi lo thường trực về các loại chi phí: tiền phòng trọ, tiền ăn, tiền điện nước, chi phí đi lại… Nỗi lo ấy càng ‘bộn bề’ hơn khi thời gian gần đây giá xăng, gas và nhiều mặt hàng thiết yếu đang tăng “chóng mặt”. Hoạt động chi tiêu của sinh viên cũng vì thế mà phải “thắt lưng buộc bụng”.
Mặc dù việc xăng tăng giá đã được dự báo từ trước nhưng anh Phan Văn Mạnh - sinh viên năm 4 ngành Quản trị Kinh Doanh (Học viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông) vẫn cảm thấy bất ngờ khi số tiền đổ đầy bình xăng tăng hơn 20.000 đồng so với trước đây.
Anh Mạnh cho biết: “Sinh viên năm cuối nên nhu cầu đi lại của tôi rất nhiều. Quãng đường từ nhà trọ đến trường và công ty thực tập dài hơn 12km. Trước đây 1 tháng tôi đổ xăng khoảng 5 lần, bây giờ xăng tăng giá như thế thì tôi sẽ mất thêm kha khá tiền xăng xe”.
Là sinh viên vừa bước vào thời gian thực tập tại một công ty trên địa bàn quận Hà Đông nên anh Mạnh không có lương, khoản tiền trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng chẳng thể đủ cho anh Mạnh trang trải chi tiêu cho cuộc sống tại Thủ đô. Do đó, mọi khoản chi tiêu đều phụ thuộc vào số tiền bố mẹ gửi từ quê.
Đến nay, khi nhiều chi phí tăng theo giá xăng dầu càng khiến anh Mạnh trăn trở về thu nhập.
Anh Mạnh chia sẻ thêm: “Trước đây, tôi thường đặt đồ ăn online cho bữa trưa tại công ty nhưng thời gian gần đây, phí ship và phí đồ ăn tăng giá sau giá xăng, thì sáng nào tôi cũng dậy sớm để nấu cơm, chuẩn bị thức ăn cho bữa trưa tại công ty để tiết kiệm thêm một khoản chi phí”.
Chị Nguyễn Hải Yến (sinh viên năm 3, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) cũng tương tự.
Chị Yến thuê trọ tại khu vực Văn Phú (quận Hà Đông) và trường học lại nằm trên trục đường Nguyễn Trãi (thuộc quận Thanh Xuân). Quãng đường từ nhà đến trường của chị Yến cũng tiêu tốn hơn 400.000 đồng cho xăng dầu.
Với sinh viên tỉnh lẻ như chị Yến, số tiền trên cũng rất quan trọng trong hoạt động chi tiêu tại Thủ đô.
Không thể xoay xở khi giá xăng lên cao, chị Yến quyết định cất xe máy ở phòng trọ để lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển với giá vé là 100.000 đồng/tháng.
Chia sẻ với phóng viên, chị Yến cho biết: “Nếu đi xe máy thì trước giờ học khoảng 30 phút, tôi bắt đầu ra khỏi nhà là kịp đến trường. Bây giờ đi xe buýt, tôi phải đi sớm hơn khoảng 1 giờ đồng hồ để phòng trường hợp tắc đường hoặc thời gian đợi xe tới. Mặc dù có nhiều bất tiện nhưng xe buýt là lựa chọn tốt nhất lúc này rồi để tiết kiệm chi tiêu".
Sau kỳ học online kéo dài, chị Đỗ Thanh (21 tuổi, sinh viên năm 3 trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội) phải gói ghém đồ đạc, di chuyển từ Ninh Bình lên Hà Nội để tiếp tục việc học.
Vì thuê trọ ở gần trường nên chị Thanh không phải lo chi phí đi lại. Tuy nhiên, gas và một số mặt hàng thiết yếu giá cả đang “leo thang” từng ngày đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt phí của chị.
Chị Thanh cho biết: “Cứ đến cuối tháng thì nộp tiền phòng trọ hết 1.500.000 đồng/tháng cho chi phí nhà trọ, tiền ăn hàng tháng khoảng 800.000 đồng. Cộng cả lương đi làm thêm ở quán cà phê và tiền trợ cấp của bố mẹ thì mỗi tháng tôi có khoảng 3.000.000 đồng để trang trải các chi phí”.
“Tiền thuê nhà trọ là cố định, nếu có chi phí phát sinh thì tôi chỉ biết tiết kiệm thêm tiền ăn để bù vào. Đợt vừa rồi tôi mới đổi bình gas hết 480.000 đồng, đắt hơn lần đổi trước tới 130.000 đồng”, chị Thanh chia sẻ thêm.
Giá gas tăng cao khiến nhiều người chuyển sang sử dụng bếp điện. Tuy nhiên, đối với sinh viên đi thuê trọ thì mỗi số điện phải trả dao động từ 3.500 - 4.000 đồng/ số. Hơn nữa, việc chuyển đổi cũng mất khá nhiều chi phí và sinh viên khó thực hiện được.
Video đang được quan tâm
Mở cửa du lịch: Việt Nam khôi phục chính sách miễn thị thực, Hà Nội mở lại loạt điểm tham quan