Về góc độ pháp lý, theo các luật sư, hành vi giả mạo trục lợi từ vụ tai nạn 13 người tử vong có thể bị xử lý hình sự.
Giả mạo người nhà nạn nhân, nhận tiền rồi bỏ trốn
Theo BS. Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, có một số đối tượng đã vào bệnh viện, giả danh người thân của 4 bệnh nhân để nhận tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm (hiện tại 2 bệnh nhi đã chuyển sang BV Sản Nhi Đà Nẵng). 4 bệnh nhân này đã may mắn thoát chết trong vụ tai nạn kinh hoàng khiến 13 người thiệt mạng xảy ra hôm 30/7, tại tỉnh Quảng Nam. Điều đáng nói là không có người nhà bên cạnh vì họ đang tất bật lo hậu sự cho các nạn nhân tử vong ở quê nhà. Người chăm sóc các nạn nhân là bà con xa, họ hàng từ quê vào.
Theo BS. Nhân, sau khi vụ việc xảy ra, nhiều tập thể, cá nhân đến hỗ trợ tiền cho bệnh nhân. Chứng kiến cảnh thương tâm trong bệnh viện, nhiều người còn lên mạng xã hội kêu gọi bạn bè, người thân và các mạnh thường quân chia sẻ khó khăn, tương trợ những người bị nạn. Hưởng ứng lời kêu gọi trên, nhiều nhà hảo tâm đã chia sẻ khó khăn với những người không may. Lợi dụng điều này, đã có một số kẻ mạo danh người nhà bệnh nhân, tự nhận là cô, dì, chú, bác của các nạn nhân để nhận tiền rồi bỏ đi. Bệnh viện mới xác định có kẻ giả danh người nhà bệnh nhân để trục lợi nhưng chưa rõ danh tính. Hiện Bệnh viện Đà Nẵng đã giao Ban Công tác xã hội đứng ra nhận tiền hỗ trợ, có biên lai được 3 bên ký vào gồm: người đại diện cho người bệnh, người làm từ thiện. Sau đó, dán biên lai vào hồ sơ bệnh án bệnh nhân và lưu giữ lại. Sau khi bệnh nhân ra viện, toàn bộ số tiền đó trao lại cho bệnh nhân.
Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng thông tin, hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng vẫn đang dồn sức cứu chữa 4 bệnh nhân trong vụ tai nạn và chưa thu tiền viện phí đối với 4 bệnh nhân này. Khi bệnh nhân xuất viện, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ xin ý kiến của Ban ATGT Đà Nẵng cùng với chính quyền để có hỗ trợ miễn phí hoàn toàn cho các bệnh nhân trên.
Hiện còn 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Có thể bị xử lý hình sự
Trước hành vi mạo danh người nhà bệnh nhân để trục lợi khiến dư luận hết sức phẫn nộ, nhận định về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc những nhà hảo tâm góp tiền bạc, vật chất để hỗ trợ, giúp đỡ gia đình nạn nhân vượt qua cơn khó khăn là một đức tính tốt đẹp, là đạo lý bao đời nay của người Việt Nam. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã thực hiện ý đồ xấu để trục lợi. Hành vi mạo danh, đưa ra những thông tin gian dối, lợi dụng lòng thương người để cho mọi người lầm tưởng những người này là người nhà nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, điều luật này xác định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Như vậy, có thể thấy tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được cấu thành bởi hai yếu tố. Đó là người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản và dùng thủ đoạn nhằm đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản. Trong sự việc này, rõ ràng những nhà hảo tâm đã bị lầm tưởng người nhận được tiền hỗ trợ chính là người nhà của nạn nhân. Đây chính là thủ đoạn gian dối mà người phạm tội sử dụng để đạt được mục đích. Với số tiền chiếm đoạt trên 2 triệu đồng thì đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn với số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì không bị truy tố, trừ một số trường hợp đáp ứng được một số điều kiện mà Bộ luật Hình sự đã quy định thì vẫn bị truy tố.
Theo luật sư Thủy, sự việc nêu trên, kể cả khi người lừa đảo chiếm đoạt số tiền dưới 2 triệu đồng, nhưng cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý về mặt hình sự, nếu có cơ sở cho rằng, hành vi mạo danh để lừa đảo đang “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Và việc xử lý về mặt hình sự trong trường hợp này đang nhằm răn đe người phạm tội, khôi phục lại tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nếu mức độ của hành vi lừa đảo mà người thực hiện hành vi chưa đến mức phải xử lý về mặt hình sự, thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Số tiền người vi phạm bị phạt có thể từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng, tùy vào những hành vi, được quy định cụ thể tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...
Nhìn chung, với những hành vi vi phạm, theo tính chất mức độ thì cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp để xử lý. Nhưng có một điều quan trọng hơn sự xử lý, đó chính là những người mạo danh, lừa gạt nói trên đang khiến cho lòng tin và tình thương của con người trong xã hội ngày càng mai một. Liệu rằng, còn ai có thể tương trợ, hỗ trợ nhau những lúc khó khăn nữa, khi ai cũng đề phòng khi làm từ thiện.