Chỉ số giá của FAO, theo dõi hầu hết hàng hóa lương thực giao dịch trên toàn cầu đạt mức trung bình 120,4 điểm trong tháng 5, tăng 0,9% so với tháng 4. Tuy nhiên, chỉ số giá lương thực tháng 5 thấp hơn 3,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 2 vừa qua, chỉ số giá của FAO xuống thấp nhất trong 3 năm trong bối cảnh giá lương thực tiếp tục giảm so với mức cao kỷ lục thiết lập tháng 3/2022, sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát.
Trong tuyên bố, FAO cho biết chỉ số giá lương thực tăng trong tháng 5 nhờ giá ngũ cốc tăng 6,3% so với tháng 4 trong bối cảnh có nhiều quan ngại về tình hình mùa vụ không thuận lợi tại các vùng sản xuất lương thực chủ yếu, trong đó có Bắc Mỹ, châu Âu và khu vực Biển Đen. Giá bơ sữa trong tháng 5 đã tăng 1,8% so với tháng trước đó, nhờ nhu cầu sản phẩm tăng trước kỳ nghỉ Hè.
Trong khi đó, chỉ số giá đường tháng 5 của FAO giảm mạnh, tới 7,5% so với tháng 4, trong bối cảnh vụ thu hoạch mới ở Brazil - nước sản xuất đường hàng đầu thế giới khởi đầu tốt. Giá dầu thực vật giảm 2,4% so với tháng 4 do giá dầu cọ giảm nhờ sản lượng vụ mùa tăng.
Trong một báo cáo riêng rẽ về nhu cầu và nguồn cung ngũ cốc, FAO dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới vụ mùa 2024 - 2025 có thể đạt 2,846 tỷ tấn, tương đương với sản lượng cao kỷ lục vụ mùa 2023 - 2024, do sản lượng đại mạch, gạo và cao lương tăng, bù lại mức giảm sản lượng ngô và lúa mì.
Tuy nhiên, FAO cảnh báo tình hình thời tiết bất lợi gần đây ở khu vực Biển Đen có thể dẫn đến sự sụt giảm sản lượng lúa mì trên thế giới - nguy cơ vẫn chưa được phản ánh trong dự báo. Tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới vụ mùa 2024 - 2025 có thể tăng 0,5% so với vụ mùa năm 2023 - 2024, lên mức cao kỷ lục 2,851 tỷ tấn. Trong khi đó, dự trữ ngũ cốc thế giới có thể tăng 1,5% so với mức ban đầu, đạt kỷ lục 897 triệu tấn.