Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.850 đồng/kg, giá bình quân là 7.786 đồng/kg, tăng 243 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho tăng trung bình 375 đồng/kg, ở mức 9.292 đồng/kg; giá cao nhất là 9.550 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh tăng. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.000 đồng/kg, giá bình quân 13.818 đồng/kg, tăng 225 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 13.750 đồng/kg, giá bình quân 13.592 đồng/kg, tăng 258 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 13.550 đồng/kg, giá bình quân 13.308 đồng/kg, tăng 267 đồng/kg.
Giá gạo xát trắng loại 1 tăng 475 đồng/kg, giá trung bình là 13.975 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 tăng 413 đồng/kg, trung bình là 11.583 đồng/kg.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá lúa chủ yếu duy trì đi ngang như: Đài thơm 8 từ 7.700 – 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600 – 7.700 đồng/kg; IR 50404 từ 7.300 – 7.500 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg… Một số loại cũng có sự tăng giá như: OM 18 từ 7.800 – 8.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 5451 từ 7.550 – 7.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.500 - 16.500 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.500 – 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Đến thời điểm này, tỉnh Kiên Giang cơ bản thu hoạch xong lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023 - 2024, với sản lượng ước hơn 2,55 triệu tấn, vượt 3,86% kế hoạch, đạt 58,13% so với kế hoạch năm lương thực 2024, năng suất bình quân 7,25 tấn/ha.
Nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản thu hoạch xong lúa Đông Xuân và đang tích cực chuẩn bị cho vụ Hè Thu.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 580 USD/tấn trong phiên 11/4, không thay đổi so với một tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá lúa trong nước đang tăng nhẹ do nguồn cung có dấu hiệu sụt giảm, trong khi tình trạng xâm nhập mặn ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang đe dọa đến sản lượng lúa gạo tại đây.
Theo dữ liệu hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2024 đã tăng 17,8% so với một năm trước đó lên 2,18 triệu tấn.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan đã tăng trong tuần này nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Indonesia. Còn giá gạo Ấn Độ gần chạm mức đáy của hai tháng qua.
Gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 585 - 590 USD/tấn, tăng so với mức 570 USD/tấn của tuần trước đó.
Hiện nguồn cung mới vẫn đang được thu hoạch và giá gạo đang được hỗ trợ nhờ nhu cầu từ Indonesia, nơi người mua đang tìm nguồn cung ứng từ Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.
Giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được chào bán ở mức từ 540 - 548 USD/tấn trong tuần này. Giá gạo Ấn Độ đã chạm mức cao kỷ lục 560 USD/tấn trong tháng trước, sau khi hải quan nước này thay đổi phương pháp tính thuế xuất khẩu.
Một nhà xuất khẩu tại Mumbai cho biết, tại thị trường trong nước, nguồn cung vẫn đủ nhưng nhu cầu từ các khách hàng châu Á và châu Phi đã chậm lại trong vài ngày qua.
Giá gạo tại Bangladesh vẫn tăng cao bất chấp sản lượng cao và dự trữ kỷ lục, thúc đẩy chính phủ nước này cho phép tư nhân nhập khẩu gần 100.000 tấn gạo để kiểm soát giá.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, tại thị trường London ngày 12/4, giá cà phê Robusta giao tháng 5/2024 đứng ở mức 3.952 USD/tấn (tăng 109 USD/tấn). Giá cà phê Arabica trên sàn New York cũng tăng mạnh, với hợp đồng giao tháng 5/2024 tăng 6,67% lên 235,05 xu/lb. (1 lb=0,454 kg).
Như vậy, giá cà phê Arabica đã đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua và giá cà phê Robusta dường như không ngừng tiến về đỉnh cao của 30 năm trước. Mối lo ngại về vụ cà phê không thuận lợi ở Brazil và ở Việt Nam đang hỗ trợ thị trường này.
Ở trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên đang dao động trong khoảng 108.800 – 109.000 đồng/kg.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê Việt Nam, hiện nay, mốc lịch sử mới 110.000 hay 120.000 đồng/kg cà phê chỉ là vấn đề thời gian, do nhu cầu thế giới cao, trong khi nguồn cung từ Việt Nam đang cạn kiệt.