Hà Nội

Già làng Tây Nguyên đang “trẻ hóa”

05-06-2009 08:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Có lẽ già làng nổi tiếng nhất ở Tây Nguyên cả trong văn chương và đời thực cho đến bây giờ vẫn là cụ Mết. Đấy là một nhân vật có thật, và được nhà văn Nguyên Ngọc xây dựng thành nhân vật văn học trong tác phẩm Rừng xà nu.

Có lẽ già làng nổi tiếng nhất ở Tây Nguyên cả trong văn chương và đời thực cho đến bây giờ vẫn là cụ Mết. Đấy là một nhân vật có thật, và được nhà văn Nguyên Ngọc xây dựng thành nhân vật văn học trong tác phẩm Rừng xà nu.

Già làng Tây Nguyên hiểu theo một cách nôm na thì đấy là một người... già, nhưng không cứ là phải già nhất làng, vì họ còn phải có uy tín. Ở Tây Nguyên ngày xưa, người có uy tín chính là người biết giải mã các giấc mơ, biết thay dân làng đối thoại với Giàng, với thần linh, biết hành xử một cách thông minh nhất, đúng nhất, hợp với quyền lợi số đông biết giúp dân tìm đất lập làng, có uy để giải quyết các vấn đề từ lớn đến nhỏ trong làng...

Xã hội Tây Nguyên xưa gần như khép kín, ứng xử với nhau trong cộng đồng theo luật tục, vì thế vai trò của già làng vô cùng quan trọng. Nó cũng là nơi sinh ra các hủ tục, nhưng đồng thời nó cũng làm cho tôn ti trật tự của làng được giữ vững, cấu kết làng trong một chỉnh thể thống nhất, vững bền... nhờ thế mà dù còn rất lạc hậu, dù thường xuyên du canh du cư, thường xuyên đứng trước nguy cơ dịch bệnh hoành hành dẫn đến có thể xóa cả cộng đồng... nhưng các làng Tây Nguyên đã tồn tại và giữ được nhiều phong tục tập quán, cách ứng xử với nhau, với tự nhiên rất hợp lý và hợp quy luật sống...

Nội dung quan trọng nhất của luật tục Tây Nguyên là duy trì và củng cố quan hệ cộng đồng. Để cho xã hội yên ổn, luật tục chú ý đến việc gìn giữ các phong tục tập quán, các tục lệ trong việc cưới xin ma chay, bỏ mả, cúng bến nước... Cộng đồng ngăn cấm các tội phạm về tính dục cũng là để giữ gìn sự trật tự và ổn định xã hội vì rằng những hành động ngoại tình gian dâm sẽ gây rối ren cho xã hội. Đặc biệt loạn luân là một mối lo sợ trầm trọng của người Tây Nguyên vì nó sẽ dẫn đến những tai họa khủng khiếp như hạn hán, mất mùa, dịch bệnh, cháy làng... Luật tục trước khi thực thi phải có người nghĩ ra nó, rồi đưa ra làng thảo luận, làng thông qua xong thì phải có người chủ trì thực thi, người đó chính là già làng.

Tất nhiên già làng bây giờ thì vai trò và quyền uy không còn như ngày xưa, vì còn có chính quyền và các đoàn thể, người dân cũng hiểu biết hơn, trong làng nhiều người có học hơn, có cả kỹ sư bác sĩ, thầy giáo là người bản địa, rồi các phương tiện nghe nhìn, đường xá giao thông thuận tiện giúp con người mở mang tầm mắt... Vì thế già làng hiện nay cũng khác ngày xưa. Họ cũng phải tiếp cận thông tin, tự trang bị kiến thức. Vai trò của họ cũng bó hẹp lại chỉ trong một vài sự việc cụ thể. Nhưng họ cũng là những người có ý kiến quan trọng trong việc quyết định một việc gì liên quan đến cộng đồng. Và tôi biết rất nhiều vụ việc có sự tham gia của già làng đã rất thành công như đền bù giải tỏa, dời làng, vận động con em đến lớp, sinh đẻ kế hoạch...

Có một số làng Tây Nguyên bây giờ đã thành lập các hội đồng già làng, gồm các cụ lớn tuổi, có uy tín đối với cộng đồng. Hội đồng già làng có nhiệm vụ cùng trưởng thôn soạn thảo các quy ước. Quy ước phải phù hợp với chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước và luật tục, phong tục của làng buôn. Hội đồng già làng còn tham gia vào công việc hòa giải trong làng như các việc tranh chấp đất đai, đốt rừng làm rẫy, ô nhiễm nguồn nước, trộm cắp, gây gổ, quan hệ nam nữ bất chính, mâu thuẫn vợ chồng cha con, tham gia với chính quyền và đoàn thể vận động nhân dân thực hiện các quyết định lớn cũng như giúp nhắc nhở con cháu sống tốt hơn.

Già làng Đinh Wiêu nay đã bảy mươi tuổi, ông là một già làng kiêm nghệ nhân giỏi nhiều thứ. Ông có thể đan lát rất giỏi, từ gùi cho đến các đồ bắt cá, bẫy chim, bắt thú... Ông là một trong không nhiều người có thể chỉnh chiêng ở Tây Nguyên. Nghệ nhân lên dây chiêng hiếm vì nó vô cùng khó, chỉ bằng đôi tai và bàn tay gõ mà ông có thể chỉnh âm cho chiêng chính xác đến kinh ngạc. Ông còn là người hơ a mon rất giỏi, cái mà người Kinh gọi là kể khan. Nó đòi hỏi người kể vừa phải có trí nhớ trác tuyệt, vừa có khả năng diễn. Chưa hết, ông còn là nghệ nhân chế tác và biểu diễn nhạc cụ rất tài. Dưới tay ông, đoạn trúc, ống vầu... đều trở thành những Klong Put, Đinh Yơng, T’rưng, K’ní..., cái lá trên cây ông ngắt cho vào mồm nó thành tiếng lòng nỉ non thánh thót khiến bao nhiêu thiếu nữ xiêu lòng thổn thức, Tôi có cảm giác ông như một người khổng lồ chứa trong bụng mình nhiều người đàn ông Tây Nguyên tài hoa khác.

Hiện nay ở Tây Nguyên đang có hiện tượng “trẻ hóa” các già làng, thậm chí có già làng chúng tôi gặp mới trên dưới bốn mươi tuổi. Đặc biệt nữa, đã có già làng là nữ, bà là H’lâm ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông. Thực ra thì bà nguyên là thượng úy quân đội nghỉ hưu. Thời tuổi trẻ bà đã có hai năm được ra miền Bắc học rồi trở về quê đánh giặc. Bà trở thành già làng chỉ vì không chịu được cảnh dân làng mình lạc hậu mông muội. Bà hướng dẫn nhân dân làm ăn, hướng dẫn cách sống mới, và biết áp dụng các điều kiện sống mới vào cuộc sống của mình. Vì can thiệp vào các hủ tục mà đã vài lần bà suýt bị cộng đồng đuổi ra khỏi làng. Nữ được suy tôn là già làng, từ xưa đến nay ở Tây Nguyên mới chỉ có H’lâm...

Đấy cũng là một sự biến đổi phù hợp quy luật...

Tôi vừa cùng mấy nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội xuống thăm “làng Kông Hoa” của anh hùng Núp, vào nhà thắp nhang cho ông. Trong đời, chưa bao giờ ông Núp là già làng theo nghĩa đen của từ này, nhưng từ lâu rồi, ông đã là già làng của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên...

Văn Công Hùng


Ý kiến của bạn