"Cội lim già" của đồng bào Vân Kiều
Giữa tiết trời giá rét cuối đông, chúng tôi theo chân nữ trưởng bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) – chị Hồ Thị Thạch – lội qua những con suối nước xiết ở thượng nguồn dòng Long Đại để vào sâu trong bản, thăm già làng Hồ Ai. Chị Thạch kể, với đồng bào Bru–Vân Kiều ở xã vùng biên Trường Sơn, cụ Hồ Ai (SN 1944) chính là "cội lim già", người giữ hồn văn hóa truyền thống của dân tộc.
Phóng viên theo chân nữ trưởng bản người Vân Kiều qua nhiều khe suối, con dốc để vào sâu trong bản thăm già Hồ Ai.
Trong những người già ở xã Trường Sơn, già làng Hồ Ai nổi tiếng với tài chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ, làn điệu truyền thống như chiêng, sáo khơ-lui, sáo sui, sáo pi, ta-riêng, hát si-nớt, hát tà-oải. Ông cũng nắm giữ nhiều nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội cúng tế truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Mỗi khi bản làng tổ chức những sự kiện quan trọng như lễ trỉa lúa (lấp lỗ), lễ mừng lúa mới hay đám chay, già Hồ Ai luôn được bà con tín nhiệm bầu làm chủ lễ.
Với cộng đồng Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, già Hồ Ai là cầu nối thiêng liêng để họ bày tỏ sự thành kính với Giàng (thần linh) và tổ tiên qua các nghi lễ cúng tế. Dân bản luôn dành những lời kính trọng và sự ngưỡng mộ khi nhắc đến già làng Hồ Ai.
Dưới mái nhà sàn, già Hồ Ai đang thổi sáo, hát bài hát của đồng bào.
Qua những dốc núi cheo leo và con đường ngập bùn trơn trượt, tiếng sáo vọng từ xa hòa quyện cùng tiếng chim rừng, dẫn lối chúng tôi về bản. Dưới mái nhà sàn đơn sơ, già làng Hồ Ai đang say sưa thổi sáo Khơ-lui, hát điệu Si-nớt truyền thống. Đón khách phương xa bằng nụ cười hiền hậu, bên ánh lửa bập bùng, già kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về bản làng và cuộc đời mình.
Già Hồ Ai chia sẻ, phần lớn những tri thức về văn hóa Vân Kiều mà ông gìn giữ đều được truyền dạy từ người cha – một thầy mo trong bản. Theo ông, cuộc sống của người Bru - Vân Kiều quanh năm gắn bó với núi rừng, sông suối và nương rẫy, luôn dựa vào sự hào phóng của thiên nhiên. Chính vì vậy, các giá trị văn hóa dân gian của đồng bào luôn thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với trời đất, thần linh, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, để dân bản có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Không gian sống giữa núi rừng đã hình thành nên lối sinh hoạt đặc trưng của người Bru-Vân Kiều. Với họ, thần lúa được tôn thờ như vị thần linh thiêng nhất, mang lại ấm no và hạnh phúc cho dân bản. Hằng năm, bà con tổ chức Lễ lấp lỗ (hay Lễ hội trỉa lúa) để tạ ơn thần linh, cầu mong một cuộc sống đủ đầy, mưa thuận gió hòa.
“Lấp lỗ là công đoạn cuối cùng trong quy trình làm nương rẫy, gồm chặt, đốt, cốt, trỉa. Từ công việc này, tổ tiên chúng tôi đã nâng tầm thành một lễ hội quan trọng, vừa mang ý nghĩa tín ngưỡng vừa thắt chặt tinh thần cộng đồng,” già Hồ Ai chia sẻ. “Đây là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất trong đời sống của người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn.
Nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều được chế tác từ những nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên như tre, nứa, lá cây và một số loại cây rừng. Những nhạc cụ này được sáng tạo từ chính đời sống hàng ngày, gắn bó chặt chẽ với các sự kiện trong cuộc sống. Chẳng hạn, cây sáo Khơ-lui được làm từ nứa lồ ô khai thác từ rừng sâu, mang theo hơi thở của núi rừng. Qua tiếng sáo, người thổi có thể giãi bày những điều thầm kín trong lòng, kể về mối quan hệ xã hội, dòng tộc và bản làng.
Không để văn hóa của đồng bào mai một
Già Hồ Ai tâm sự, nhiều năm trước, khi đời sống vật chất của đồng bào dần được cải thiện, ông lại mang trong lòng một nỗi lo canh cánh: sự phai nhạt của văn hóa truyền thống. Lớp trẻ không còn mặn mà với việc học chơi nhạc cụ, học hát, học múa; thậm chí, có những năm lễ hội bản làng không được tổ chức. Đứng trước nguy cơ mai một của di sản văn hóa quý giá, già Hồ Ai đã hạ quyết tâm dành cả cuộc đời mình để giữ lửa, khơi dậy niềm tự hào văn hóa trong lòng dân bản.
“Bài hát, điệu múa của người Bru–Vân Kiều đẹp như hoa trên núi. Nếu thế hệ con cháu không biết hát, biết múa, không biết tiếng sáo, tiếng đàn, thì những di sản văn hóa độc đáo của dân tộc mình sẽ mai một,” già Hồ Ai trăn trở.
Để khơi lại tình yêu với văn hóa truyền thống, già Ai bắt đầu hành trình bằng cách đến từng nhà, nói với từng người về ý nghĩa sâu sắc của bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị độc đáo của các loại nhạc cụ truyền thống. Khi có người đồng tình và hưởng ứng, ông liền tổ chức các lớp dạy âm nhạc truyền thống cho đồng bào Bru–Vân Kiều ở xã Trường Sơn và cả những xã lân cận.
Nhiều năm bền bỉ với tâm huyết, công sức của già Hồ Ai cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. Các giá trị văn hóa truyền thống dần trở lại, sống động hơn trong đời sống cộng đồng người Bru–Vân Kiều. Ngày càng nhiều người trẻ say mê học, thổi thành thạo sáo pi, chơi được nhiều nhạc cụ khác và múa điêu luyện các điệu múa truyền thống của đồng bào mình.
Nhờ sự truyền dạy của già Hồ Ai, nhiều người trẻ Vân Kiều say mê học thổi sáo, chơi thành thạo các loại nhạc cụ, múa được điệu múa truyền thống của đồng bào mình.
“Việc dạy không hề dễ dàng vì con em còn bận rộn với công việc làm rừng, làm rẫy để nuôi sống gia đình. Tôi chỉ dạy qua truyền miệng, không có chữ viết. Người học cũng phải có năng khiếu, vì có người đam mê lắm nhưng học mãi cũng không được,” già Hồ Ai chia sẻ.
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn nhận xét, già làng Hồ Ai là một người đặc biệt trong cộng đồng người Bru–Vân Kiều. Ông là người tiên phong trong việc khôi phục và truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào. Vào năm 2018, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã vinh danh già Hồ Ai là nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực hát dân ca và sử dụng nhạc cụ của người Vân Kiều.