Ngày 25/9, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bộ Y tế tổ chức hội nghị "Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng" nhân kỷ niệm Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến dự hội thảo.
Chăm sóc sức khỏe kết hợp với phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong suốt những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã có nhiều chính sách chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Thời gian qua, tuổi thọ của người cao tuổi Việt Nam đã được tăng lên nhưng tuổi thọ khỏe mạnh vẫn thấp. Năm 2016, Việt Nam có 10,1 triệu người cao tuổi chiếm 11% tổng dân số, trong đó có trên 2 triệu người trên 80 tuổi.
“Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước điển hình sẽ có tốc độ già hóa rất nhanh. Chính vì vậy, chính sách để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt đang là vấn đề cần được quan tâm”- Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng hiện nay không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số, bởi cứ hai giây là có một người trên thế giới bước vào độ tuỏi già.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương
Phó Thủ tướng cũng đề nghị, tời gian tới, Việt Nam cần chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; phát triển mô hình y học gia đình; đồng thời củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi. Việt Nam cũng cần phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam; đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà đặc biệt là chăm sóc người cao tuổi tập trung vào các bệnh mãn tính. Quan trọng hơn, nước ta cần có chính sách phát huy tốt vai trò của người cao tuổi trong xã hội, đây là một trong những phương pháp chăm sóc tốt nhất...
Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận sáng kiến của Bộ Y tế, Bệnh viện Lão khoa và các tổ chức đã tổ chức hội nghị ý nghĩa này và nêu rõ: Tại hội nghị, các đại biểu cần phân tích đầy đủ những khó khăn, thách thức và những thời cơ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; đồng thời, đưa ra những khuyến nghị để các nhà lãnh đạo hoàn thiện chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...
Già hóa dân số tác động nhiều mặt của đời sống xã hội
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại hội nghị
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: Tốc độ già hóa dân số của chúng ta thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, ttích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng, tác dòng di cư quốc tế…
“Điều này đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Năm nay, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của APEC, vấn đề già hóa dân số và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh hướng tới một châu Á-Thái Bình dương khỏe mạnh đã được coi là một ưu tiên của APEC. Già hóa dân số là một vấn đề mang tính quốc tế và là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo khu vực cũng như của thế giới”- Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng mong muốn Lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các nước tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Già hóa dân số hiện không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn của nhiêu quốc gia trên thế giới
Hội nghị gồm 3 phiên toàn thể với các chủ đề: Chính sách về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, quản lý các bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi tại cộng đồng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các báo cáo khoa học tại hội nghị đều tập trung vào vấn đề chính sách và các kinh nghiệm trong triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng như: Tăng cường sự sẵn sàng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tập trung vào quản lý bệnh mãn tính của người cao tuổi, nâng cao vai trò của bác sỹ gia đình; hướng dẫn, hỗ trợ thay đổi lối sống và phòng bệnh, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và năng động; khuyến khích sự tham gia của lĩnh vực tư nhân, các tổ chức và cộng đồng xã hội phối hợp đầu tư trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...