Dân số già, tuổi thọ người dân cao hơn đương nhiên phải là một niềm vui. Tuy nhiên, đằng sau đó là câu chuyện về lực lượng lao động kế cận, làm sao để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, không thiếu thốn... là một vấn đề đang khó khăn ngay cả với những quốc gia phát triển. Đặc biệt, việc già hóa ở một nước có thu nhập trung bình như nước ta, bên cạnh niềm vui là nỗi lo,...
Thế giới “giàu mới già”, ta “già chưa giàu”
Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi nước ta là 17% và 2050 đạt 25%. Theo quy chuẩn về nhân khẩu thế giới, giai đoạn già hóa dân số của một nền kinh tế là khi nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 10%.
Tại Hội thảo thích ứng với già hóa dân số của Việt Nam do Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế tổ chức vừa qua, TS. Nguyễn Văn Tân, Phó tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, các nước giàu mất vài thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ để chuyển sang thời kỳ dân số già. Chỉ trong 22 năm, Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập “đội ngũ” này. Như vậy, dân số nước ta đang già hóa với tốc độ nhanh gấp 4 lần các nước phát triển.
Chăm sóc người cao tuổi là trách nhiệm của cộng đồng.
Điểm khác biệt đáng chú ý trong cơ cấu dân số của Việt Nam, việc già hóa dân số là đặc trưng của những nước thu nhập cao, không phải tại các nước thu nhập thấp. Việt Nam là nước có thu nhập trung bình nhưng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng tỏ ra băn khoăn khi: “Lịch sử các nước cho thấy dân số già khi đã giàu còn Việt Nam thì khác. Dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng nhưng mức thu nhập lại thấp hơn hầu hết các nước có dân số già hiện nay”.
Lý giải về điều này, theo BS. Mai Xuân Phương, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, đó là do tình trạng mức sinh giảm nhanh, mức chết giảm, tuổi thọ tăng. Trong nửa thế kỷ qua, trong khi tuổi thọ trung bình của thế giới tăng thêm 21 tuổi thì Việt Nam tăng đến 33 tuổi.
Cần những kế hoạch dài hơi
Theo các chuyên gia y tế, việc già hóa dân số nhanh chóng của Việt Nam sẽ tạo áp lực lên hệ thống y tế. Tuổi thọ Việt Nam hiện đạt mức cao với trung bình 73 tuổi, tuổi thọ cao nhưng sức khỏe không đều. Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là các bệnh mạn tính, đặt ra nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe. Trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình, với tỷ lệ một người mắc 2,69 bệnh.
Về mặt xã hội, thống kê cho thấy khoảng 72,3% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình. Số người già khác sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người cao tuổi, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.
Bên cạnh những thách thức, hiện tượng dân số già hóa cũng tạo ra những cơ hội cho những doanh nghiệp biết đón nhận thời cơ nghiên cứu và phát triển những lĩnh vực để phục vụ nhu cầu cho người cao tuổi. Chẳng hạn để chăm sóc người cao tuổi, tất cả các vấn đề từ đào tạo nhân lực, an sinh, xã hội, y tế, thiết kế xây dựng nhà ở, đường sá, các phương tiện hỗ trợ người già, cung cấp đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ để phục vụ đối tượng này….
Được biết, từ năm 2010, Bộ Y tế đã nghiên cứu xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn. Gần đây, Bộ Y tế ban hành Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với điểm nhấn là tăng cường chăm sóc người cao tuổi ngay tại cộng đồng, thay vì chỉ dựa vào bệnh viện hay nhà dưỡng lão với những khoản chi phí cao. Thuận lợi cho đề án này là đặc điểm lối sống người Việt Nam có văn hóa các thế hệ cùng chung sống trong một gia đình, được thế giới đánh giá là nét văn hóa tốt, là điểm mạnh để tiến hành tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng.
Thiết nghĩ, lo xa cho một đất nước có dân số già cũng là cách đảm bảo cho sự ổn định trong tương lai gần, cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành nhiều lĩnh vực và kế hoạch hướng đối tượng mang tính đồng bộ, lâu dài, bền vững. Đồng thời, đã đến lúc mỗi người dân cần suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này để có sự sắp xếp cho tương lai bản thân và gia đình, ngay từ khi còn chưa già.