Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị “Chính sách chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng” nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế NCT (1/10) do Bộ Y tế tổ chức tại BV Lão Khoa TW ngày 25/9. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành; Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ TW cùng nhiều đơn vị liên quan tham dự hội thảo.
Mở rộng chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thời gian qua, tuổi thọ của NCT Việt Nam đã được tăng lên nhưng tuổi thọ khỏe mạnh vẫn thấp. Năm 2016, Việt Nam có 10,1 triệu NCT chiếm 11% tổng dân số, trong đó có trên 2 triệu người trên 80 tuổi. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng NCT Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%. Theo Phó Thủ tướng, hiện nay không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số, bởi cứ 2 giây là có một người trên thế giới bước vào độ tuổi già. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những nước điển hình sẽ có tốc độ già hóa rất nhanh. Chính vì vậy, chính sách để NCT sống khỏe và sống tốt đang là vấn đề cần được quan tâm.
Những năm qua, vai trò của y tế cộng đồng, mô hình y học gia đình ngày càng được khẳng định trong công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT, hạn chế lưu trú tại BV, nhất là đối với điều trị các bệnh mạn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường... Cùng với đó, hệ thống các khoa, BV lão khoa, cơ sở chăm sóc dưỡng lão, hệ thống nhân lực chăm sóc riêng cho NCT được củng cố và phát triển. Hiện có 46/63 tỉnh, thành phố thành lập Khoa Lão trong BV đa khoa cấp tỉnh và gần 30 nhà dưỡng lão tư nhân.
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi luôn được đặc biệt quan tâm.
Xu hướng thế giới là đưa NCT về chăm sóc tại cộng đồng để sao cho trong quá trình chăm sóc, NCT thấy mình ở nhà, gần gũi với cộng đồng. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, Việt Nam cần chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng; phát triển mô hình y học gia đình; đồng thời củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc NCT. Việt Nam cũng cần phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam; đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà đặc biệt là chăm sóc NCT tập trung vào các bệnh mạn tính. Quan trọng hơn, nước ta cần có chính sách phát huy tốt vai trò của NCT trong xã hội, đây là một trong những phương pháp chăm sóc tốt nhất...
Những tác động của già hóa dân số
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng, các dòng di cư quốc tế... “Điều này đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe NCT. Năm nay, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của APEC, vấn đề già hóa dân số và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đã được coi là một ưu tiên của APEC. Già hóa dân số là một vấn đề mang tính quốc tế và là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo khu vực cũng như của thế giới” - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nói.
Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại Việt Nam, 65,7% NCT sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi). Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho NCT; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho NCT...
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình khuyến nghị, cần tăng cường đầu tư, cải thiện chăm sóc sức khỏe ban đầu; lồng ghép chăm sóc y tế với chăm sóc xã hội cho NCT; chú trọng sức khỏe và dinh dưỡng cho NCT; xây dựng môi trường sống thân thiện với NCT; phát huy vai trò và chăm sóc NCT dựa vào gia đình và cộng đồng.