Già hoá dân số gia tăng - thách thức của thủ đô trong chăm sóc sức khoẻ người dân

11-12-2018 07:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tuổi thọ của người dân tăng kéo theo tốc độ gia tăng già hóa dân số đang là một thách thức lớn của Hà Nội đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch gia đình Hà Nội, năm 2018, tỷ suất sinh toàn thành phố ước đạt 15,13‰ (giảm 0,17‰ so với năm 2017); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 6,6% (giảm 0,1% so với năm 2017). Bên cạnh đó, tỷ số giới tính khi sinh vẫn duy trì ở mức 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái (tương đương với năm 2017); tỷ lệ sàng lọc trước sinh ước đạt 75 % số bà mẹ mang thai (tăng 1%); tỷ lệ sàng lọc sơ sinh ước đạt 84,1% số trẻ sinh ra (tăng 0,2%).

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, thành tựu của công tác dân số Thủ đô những năm qua đã từng bước ổn định về quy mô, giảm tỷ suất sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tuổi thọ trung bình..., tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Hạnh, trong giai đoạn hiện nay công tác dân số đang đứng trước những khó khăn, bất cập mới. Nguyên nhân do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, tỷ lệ sinh con thứ ba có giảm nhưng chưa ổn định. Thêm vào đó, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn còn ở mức cao, chất lượng dân số còn chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô.

Hà Nội đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi

Tuổi thọ của người dân tăng kéo theo tốc độ gia tăng già hóa dân số đang là một thách thức lớn của Hà Nội đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó. Hà Nội hiện có khoảng trên 1 triệu người cao tuổi, chiếm tỷ lệ hơn 13% dân số. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao và chi phí hợp lý là vô cùng quan trọng.

Mặt khác, tầm vóc, thể lực của thanh niên tuy có cao hơn so với bình quân chung của cả nước nhưng còn hạn chế so với các nước trong khu vực...

Do đó, ông Hoàng Đức Hạnh đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác dân số của thành phố theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung và giải pháp thực hiện công tác dân số ở các cấp, đồng thời nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm tình hình thực hiện của địa phương.

Các cấp chính quyền phải coi công tác dân số là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, là một nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền và các ngành, đoàn thể.

Để thích ứng với già hóa dân số, thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong thời kỳ mới và Kế hoạch số 74 của Thành ủy Hà Nội, Chi cục DS-KHHGĐ, Sở Y tế Hà Nội đã trình thành phố ban hành kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ngày 26/3/2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn.

Theo đó, thành phố đã ra kế hoạch thành lập Bệnh viện Lão khoa TP Hà Nội trên cơ sở điều chỉnh chức năng và phát triển từ Bệnh viện Đống Đa hiện nay. Với các bệnh viện của thành phố và khu vực gồm Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông, Bắc Thăng Long, Vân Đình, Sơn Tây…, thành phố yêu cầu phải thành lập một khoa Lão khoa/bệnh viện để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Tất cả các bệnh viện tuyến huyện còn lại của thành phố sẽ phải dành một tỷ trọng nhất định số giường bệnh để điều trị riêng cho người cao tuổi. Thành phố cũng đã giao trách nhiệm cho tất cả các quận, huyện, thị xã phải thành lập mỗi quận, huyện, thị xã ít nhất một trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi theo hình thức xã hội hóa.

Một giải pháp nữa mà Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới là triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn