Những thông tin trên được đưa ra tại hội thảo trực tiếp và trực tuyến báo cáo kết quả đề tài Tăng cường ứng phó với sa sút trí tuệ: thiết lập hệ thống bằng chứng xây dựng kế hoạch quốc gia về sa sút trí tuệ ở Việt Nam tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, các trường đại học về sức khỏe, WHO tại Việt Nam...
Già hóa dân số diễn ra nhanh, dự kiến người bệnh sa sút trí tuệ cũng tăng nhanh
Tại sự kiện vừa diễn ra, GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho hay, Việt Nam hiện là một trong các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Việt nam năm 2022 là 12% và đến năm 2050 là 28%.
Trong khi Australia mất 72 năm thì Việt Nam mất 16 năm để chuyển từ nước sắp già sang nước đã già (tỷ lệ dân số trên 65 tuổi gia tăng). Tỷ lệ người sa sút trí tuệ ở Việt Nam năm 2019 là gần 600 nghìn người và dự kiến năm 2050 sẽ tăng gấp 3 lần, khoảng 1,8 triệu người.
Cùng chung quan tâm về vấn đề này, PGS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Già hóa Quốc gia, Đại học Khoa học Sức khỏe, thuộc Đại học Công nghệ Swinburne (Australia) cho hay, tỷ lệ mắc mới bệnh sa sút trí tuệ ở nước phát triển được kiểm soát, do tình trạng già hóa dân số đã ổn định. Còn ở các nước đang phát triển, tỷ lệ người bệnh tăng cao hơn, do sự già hóa dân số diễn ra nhanh hơn.
Theo chuyên gia, già hóa dân số nhanh để lại nhiều hệ lụy, do đó Việt Nam cần lên kế hoạch cấp quốc gia để ứng phó với dự báo trên.
Để giúp Bộ Y tế hoạch định được các chính sách cụ thể trong việc ứng phó với bệnh sa sút trí tuệ, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng đã tiến hành nghiên cứu dự án trên trong giai đoạn 2019 - 2021, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam, Úc và Hoa Kỳ về chăm sóc người cao tuổi và sức khỏe tâm thần.
PGS.TS Kim Bảo Giang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng thông tin, nghiên cứu nhằm tìm hiểu khả năng ứng phó của Việt Nam đối với bệnh sa sút trí tuệ ở 3 cấp độ: Cá nhân (người sử dụng và người cung cấp dịch vụ y tế); tổ chức chăm sóc sức khoẻ; hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.
Từ việc rà soát các chính sách về bệnh sa sút trí tuệ nhóm nghiên cứu đã đề xuất xây dựng được kế hoạch Quốc gia phòng chống sa sút trí tuệ của Việt Nam, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh sa sút trí tuệ, cũng như người chăm sóc và gia đình họ, đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ một cách công bằng và giảm sự kỳ thị xã hội...
Hầu hết người dân đều nhận thức sai lầm về bệnh sa sút trí tuệ khi coi đây là bệnh tuổi già
Nghiên cứu cho thấy, nước ta không có dịch vụ chăm sóc y tế hoặc chăm sóc xã hội chuyên về sa sút trí tuệ. Có 27 bệnh viện, phòng khám điều trị về bệnh này ở 5 tỉnh thành, chủ yếu là Hà Nội và TP HCM.
Các dịch vụ chăm sóc dài hạn về sa sút trí tuệ hiện chủ yếu dựa vào gia đình/người chăm sóc không chính thức hay dịch vụ tại nhà như người giúp việc và đều không được đào tạo chính thức. Cả nước hiện có rất ít nơi chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ: Tư nhân chỉ có 59 nhà dưỡng lão với chi phí cao, không phải ai cũng đủ khả năng tiếp cận.
Hiện có 134 trung tâm bảo trợ xã hội và 13 nhà dưỡng lão, dành miễn phí cho các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, như người cao tuổi khó khăn, không nơi nương tựa, người trên 85 tuổi không có bảo hiểm xã hội hoặc lương hưu.
Từ năm 2019 - 2022, Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, nghiên cứu 405 cán bộ y tế ở tuyến huyện, xã, 967 người dân tại 8 tỉnh gồm Điện Biên, Hà Nam, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Kon Tum, Khánh Hòa, Cần Thơ và Tây Ninh. Kết quả cho thấy hơn 50% nhân viên y tế cơ sở có kiến thức đúng về sa sút trí tuệ.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra hầu hết người dân đều nhận thức sai lầm về bệnh sa sút trí tuệ, khi coi sa sút trí tuệ là bệnh tuổi già. Kiến thức của người dân về bệnh, các triệu chứng của bệnh, yếu tố nguy cơ, khả năng điều trị còn thấp. Đáng chú ý khi vẫn tồn tại sự kì thị đối với người bệnh sa sút trí tuệ.
Từ thực tế nghiên cứu, các chuyên gia khuyến nghị Bộ Y tế cần chuẩn bị các kịch bản kế hoạch chính sách cho nhóm dân số già hóa trong tương lai, đồng thời, đề xuất mô hình quản lý, khám và điều trị bệnh nhân sa sút trí tuệ, cũng như tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ xã hội về kiến thức, kỹ năng chẩn đoán và quản lý người bệnh sa sút trí tuệ.
Nghiên cứu cũng khuyến nghị cần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bệnh sa sút trí tuệ để phát hiện sớm và đưa đi khám tại các chuyên khoa.