Hà Nội

Già hóa dân số: Cần một cách tiếp cận chiến lược toàn diện

17-12-2015 23:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Việt Nam đang đứng trước sự biến đổi nhân khẩu mạnh mẽ, đặc biệt là tốc độ già hóa dân số nhanh. Điều đó đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược quốc gia, tiếp cận một cách toàn diện trong đó có chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Thế giới ngày càng già

Trên thế giới hiện nay, cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm có gần 58 triệu người 60 . Trung bình cứ 9 người sẽ có 1 người 60 và tỷ số này sẽ là 5:1 vào năm 2050. Nếu như năm 1950, thế giới có 205 triệu người 60 , năm 2015 là 901 triệu người, chiếm 12,3% dân số thế giới thì năm 2050, sẽ là hơn 2 tỷ người, chiếm 22%.

Màn biểu diễn của người cao tuổi tại Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số.

Già hóa dân số đang diễn ra trên tất cả các khu vực, các quốc gia với các tốc độ khác nhau, trong đó nhanh nhất và nhiều nhất là ở các nước đang phát triển. Trong số hơn 900 triệu người cao tuổi hiện nay thì có tới 67% là ở các nước đang phát triển. Điều đáng nói là ngay cả những quốc gia kém phát triển cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng này chỉ trong 1-2 thập kỷ tới, theo World Bank. Liên hợp quốc đã gọi thế kỷ XXI là thế kỷ của già hóa dân số.

Tại ASEAN, hiện có hơn 59 triệu người cao tuổi, chiếm 9,3% tổng dân số khu vực. Năm 2050 sẽ tăng lên 24% và trở thành khu vực dân số già. Ba thành viên đang già hóa hiện nay sẽ trở thành siêu già là Singapore, Thái Lan và Việt Nam trong khi các thành viên khác đều sẽ ở giai đoạn già hóa hoặc dân số già. Mặc dù chưa phải là quốc gia đang già hóa dân số nhưng tổng dân số cao tuổi của Indonesia hiện nay đã lớn hơn cả 3 nước đang già hóa trong ASEAN. Đây cũng chính là một trong những nội dung ưu tiên của Hội nghị Các quan y tế chức cấp cao ASEAN lần thứ 10 vừa qua và nội dung này sẽ được đệ trình lên Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN.

Gần 40% người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế

Năm 2011 Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số. Khi đó, cứ 11 người dân mới có 1 người cao tuổi thì đến năm 2029, tỷ số này là 6:1 và năm 2049 là 4:1. Tốc độ già hóa của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Một số nhà nghiên cứu dự báo già hóa dân số của Việt Nam diễn ra trong khoảng 18-22 năm nhưng mới đây World Bank đã khẳng định Việt Nam chỉ mất 15 năm! Như vậy, chỉ còn một thập kỷ nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già. Một điều chắc chắn là năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành siêu già với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng dân số.

Số lượng, tỷ trọng người cao tuổi lớn và tăng nhanh như vậy sẽ đặt ra những thách thức rất lớn cho Việt Nam trong việc đảm bảo quyền và khả năng tiếp cận, thụ hưởng chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, an toàn và môi trường thân thiện với người cao tuổi. Theo Tổng cục Dân số, người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, làm nông nghiệp và là nông dân. Đa số người cao tuổi nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ và khi phát hiện, bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị khó khăn hơn. Điều tra Quốc gia về Người cao tuổi, 2011 cho thấy có đến 95% bệnh của người cao tuổi là mạn tính không lây truyền; 67,2% người được hỏi trả lời là tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu; 27% thấy có khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, cần trợ giúp. Tỷ lệ người cao tuổi ở nông thôn bị đau ốm hoặc bị chấn thương được cán bộ y tế điều trị còn thấp và chỉ bằng một nửa so với thành thị. Trong khi đó, chỉ 60,8% người cao tuổi có bảo hiểm y tế, 35,6% người cao tuổi ở thành phố và 21,9% ở nông thôn có lương hưu hoặc trợ cấp từ nhà nước. Tình trạng già hóa dân số nhanh sẽ làm gia tăng các bệnh mạn tính, gia tăng nguy cơ tàn phế và chi phí y tế. Chi phí y tế cho người cao tuổi cao gấp 7-10 lần so với người trẻ và người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc. Trong khi đó, hệ thống y tế lão khoa chưa hoàn thiện bao gồm cả trang thiết bị lẫn đội ngũ cán bộ y tế. Tình trạng bệnh, tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của người cao tuổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Quốc hội và Chính phủ đang có chủ trương khuyến khích xã hội hóa chăm sóc sức khỏe y tế. Khuôn khổ pháp lý và văn bản hướng dẫn đã có, đã quan tâm đến người cao tuổi, nhưng thực tế triển khai có những điểm còn hạn chế. Trong Đề án Tăng cường y tế cơ sở, Bộ Y tế đã đưa nội dung này vào, trong đó sẽ tích hợp mô hình bác sĩ gia đình để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại cộng đồng và khuyến khích các mô hình khác nhau, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, chăm sóc ban đầu, tăng cường các hướng tiếp cận chăm dài hạn.

Tăng dự phòng, mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu

Phó Chủ tịch World Bank, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Axel van Trotsenburg cho rằng: “Thích ứng với già hóa dân số không chỉ là vấn đề người cao tuổi mà đòi hỏi một cách tiếp cận chính sách toàn diện, đề cập đến mọi giai đoạn trong cuộc đời nhằm tăng cường khả năng tham gia của lực lượng lao động, khuyến khích cách sống lành mạnh dựa trên đổi mới dịch vụ chăm sóc trẻ em, giáo dục, y tế, hưu trí, chăm sóc dài hạn và các vấn đề khác”. Chia sẻ tại Đối thoại Chính sách y tế cho người cao tuổi do Bộ Y tế phối hợp với WHO tổ chức vừa qua, bà Kari Hurt, Giám đốc Điều hành và Trưởng nhóm sức khỏe của World Bank cho biết có khoảng 1/3 dân số cao tuổi không biết được các nguy cơ bệnh tật. Do vậy, cần hiểu được nhu cầu của các nhóm dân số cao tuổi khác nhau để kiểm soát tốt các nguy cơ. Đồng thời chuyển đổi mô hình khám chữa bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các nhóm dân số nhất là trong bối cảnh chuyển đổi nhân khẩu và xu hướng già hóa dân số tăng nhanh. Bà Kari Hurt cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao giá trị sử dụng đồng vốn trong hệ thống y tế, kiểm soát tốt các quá trình mua sắm. Để giảm chi phí khám chữa bệnh cho người cao tuổi, cần giảm các chi phí phát sinh ngoài bảo hiểm, đưa thêm thuốc vào danh mục thuốc do bảo hiểm y tế chi trả và trước nhất là tăng độ bao phủ của bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Điều phối viên của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, bà Anjana Bhushan nhấn mạnh đến “những giải pháp tự thân” của mỗi quốc gia. Trong đó xác định vai trò của Chính phủ, tư nhân, cộng đồng và gia đình làm gì và đóng góp như thế nào. Đồng quan điểm này, giáo sư Alan Dilani, Giám đốc Học viện Thiết kế và Sức khỏe Quốc tế chia sẻ thêm: Việc học hỏi các mô hình từ nước ngoài là tốt nhưng điều quan trọng là sự phù hợp và phát huy sức mạnh nội tại quốc gia. Giáo sư Alan cũng nhấn mạnh đến việc phòng chống bệnh tật, có những việc rất đơn giản nhưng hữu ích lớn như xây dựng và khuyến khích phong trào toàn dân tập thể dục thể thao, ăn uống đúng, lối sống lành mạnh, bỏ rượu bia, thuốc lá... Ông cũng cho rằng, việc quan tâm, đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở là rất quan trọng trong đó có việc tăng cường đưa bác sĩ về tuyến cơ sở như Việt Nam đã và đang làm.

Các địa phương trong cả nước hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số

*Tại thành phố Cần Thơ: Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay với chủ đề: “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ thành phố Cần Thơ đã ban hành kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động, nhằm nâng cao nhận thức, sự quan tâm của toàn xã hội về vấn đề chăm sóc người cao tuổi, để hướng tới xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Theo đó, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ thành phố yêu cầu Chi cục DS-KHHGĐ thành phố tổ chức đa dạng các hoạt động tuyên truyền, trong đó, tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, về người cao tuổi; duy trì mức sinh hợp lý, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính; phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số...

*Tỉnh Thừa Thiên Huế: Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND thành phố Huế tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số. Theo đó, tháng hành động quốc gia năm nay hướng tới 3 nhóm mục tiêu chính như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân về tính chất khó khăn, phức tạp, lâu dài, tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của công tác dân số đối với sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước; làm tốt công tác dân số là góp phần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số, huy động sự tham gia đồng bộ và sự ủng hộ tối đa cả về nhân lực, vật lực, tài lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, cho công tác dân số. Ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn...

*Thành phố Hải Phòng: Hướng tới kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12, thành phố Hải Phòng triển khai Tháng hành động quốc gia về dân số. Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2015 có chủ đề “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”, sẽ được triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố từ ngày 1 - 31/12/2015. Để Tháng hành động thực sự lan rộng, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Chi cục xây dựng, phát sóng và đưa các tin, bài, giao sóng, phóng sự, chuyên mục phản ánh kịp thời chủ đề, ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số, Ngày Dân số Việt Nam 26/12 để người dân nắm bắt thông tin nhanh chóng, chính xác, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi mỗi người.

Nhóm PV YTĐP


ThS. Lương Quang Đảng
Ý kiến của bạn