'Gia hạn đăng ký lưu hành thuốc giải quyết những vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị y tế'

06-09-2023 16:34 | Y tế
google news

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, cùng với các văn bản tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong thời gian vừa qua thì việc gia hạn đăng ký lưu hành thuốc đã góp phần giải quyết những vướng mắc liên quan.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV chiều 6/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trình bày tham luận việc triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; công tác chuẩn bị triển khai Nghị quyết 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh tới toàn dân

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, để triển khai thi hành luật, nghị quyết nêu trên, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Chính phủ và các địa phương để triển khai thực hiện.

Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, quán triệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của 420 đơn vị đến từ các cơ quan trung ương, sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Hiệp hội bệnh viện tư nhân, Tổng Hội y học Việt Nam, các đối tượng chịu tác động và hơn 2.000 điểm cầu khám, chữa bệnh, người hành nghề…

'Gia hạn đăng ký lưu hành thuốc giải quyết những vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị y tế' - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Theo báo cáo, đã có trên 30 Sở Y tế ban hành kế hoạch triển khai luật, tổ chức các hoạt động phổ biến luật, lồng ghép các hoạt động trong công tác triển khai thi hành luật; tăng cường giới thiệu nội dung mới, đưa tin bài, tổ chức tọa đàm, chuyên gia giới thiệu về các quy định mới của dự án Luật Khám, chữa bệnh và các Nghị quyết của Quốc hội trên phương tiện thông tin đại chúng.

Về kết quả xây dựng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, theo Quyết định số 172 của Thủ tướng Chính phủ, số văn bản quy định chi tiết thi hành hướng dẫn luật gồm 3 Nghị định; 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 3 Thông tư của Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Công an và Quốc phòng.

Hiện Bộ Y tế và các Bộ đang khẩn trương xây dựng các văn bản và chuẩn bị xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thành đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Trên 22.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực

Về tình hình tổ chức triển khai Nghị quyết số 80/2023/QH15, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã tập trung cùng các Bộ, ngành triển khai các nội dung của Nghị quyết, cụ thể kết quả như sau:

Về thanh toán chi phí phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 của các cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính rà soát chuyển nguồn phòng, chống dịch và giao dự toán hết năm 2022, đồng thời, chuyển số kết dư sang năm 2023 để tiếp tục thực hiện.

Đến nay các đơn vị đã gửi báo cáo và đề nghị ngân sách nhà nước hoàn trả các khoản phải chi nhưng chưa chi, các khoản đã sử dụng từ nguồn thu của đơn vị để chi cho phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022 với tổng kinh phí dự kiến là 105 tỷ đồng.

'Gia hạn đăng ký lưu hành thuốc giải quyết những vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị y tế' - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tham luận tại Hội nghị.

Về việc hướng dẫn việc rà soát, tổng hợp và phương án xử lý số lượng thuốc, vật tư, hóa chất sinh phẩm, trang thiết bị đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 sang công tác khám bệnh, chữa bệnh thông thường, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 129 ngày 18/8/2023 về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Hiện nay, Bộ đang phối hợp cùng các địa phương, cơ sở y tế để triển khai thực hiện.

Về việc hướng dẫn, rà soát, tổng hợp, phương án xử lý số lượng mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch thực hiện dưới hình thức tạm ứng, vay, mượn, huy động, tiếp nhận tài trợ, viện trợ, Bộ đã cùng với các Bộ, ngành trung ương, các cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố cập nhật số lượng, đặc biệt số lượng tồn kho. Đến nay đã có 44 tỉnh có số liệu báo cáo. Sau khi có số liệu tổng hợp, Bộ sẽ có văn bản báo cáo và đề xuất cụ thể các phương án để thanh toán theo quy định.

Về sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, tính đến 24/7/2023 Bộ Y tế đã có 9 đợt công bố danh mục thuốc (6 đợt công bố đối với thuốc hóa dược và 3 đợt công bố đối với với thuốc y học cổ truyền).

Trong đó, thuốc hóa dược được công bố là: 11.381 thuốc; thuốc y học cổ truyền được công bố là: 336 thuốc. Đã gia hạn Giấy đăng ký lưu hành tổng số 1.873 thuốc hóa dược. Tổng số thuốc có đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 thuốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Bảo đảm đủ đáp ứng nguồn cung ứng thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của người dân; cùng với các văn bản tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong thời gian vừa qua thì việc gia hạn đăng ký lưu hành thuốc đã góp phần giải quyết những vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị vật tư y tế

Về việc rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản hoặc văn bản các cấp có thẩm quyền để thực hiện có hiệu quả để thực hiện Nghị quyết 80, Bộ đã thực hiện rà soát 6 Nghị quyết của Quốc hội; 10 Nghị quyết của UBTVQH; 1 Nghị định của Chính phủ; 4 Thông tư của Bộ Y tế và 5 Nghị quyết của Chính phủ.

Về việc triển khai các cơ chế chính sách nguồn lực thúc đẩy nghiên cứu vi sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị vật tư y tế trong nước để đối phó với dịch bệnh, ứng phó với các biến chủng mới của virus và các bệnh truyền nhiễm mới phát sinh: Bộ đã hoàn thiện việc lập hồ sơ đề nghị dự án sửa đổi một số điều của Luật Dược, trong đó có nội dung chính sách về phát triển công nghiệp dược và đã được Quốc hội thông qua việc đưa vào chương trình xây dựng pháp luật vào năm 2024; Đối với việc nội dung phát triển sản xuất trang thiết bị y tế, Bộ cũng đang xây dựng hồ sơ trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội xây dựng Luật Thiết bị y tế.

"Tổ chức triển khai Nghị quyết 99 rất nhanh"

Về tình hình tổ chức triển khai Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, đây là Nghị quyết được triển khai rất nhanh. Chính phủ đã chủ động tất cả các hồ sơ để triển khai Nghị quyết này.

Ngay sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, bố trí các nội dung, ví dụ như: Liên quan đến tiền mua vaccine phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng, Chính phủ đã bổ sung 550 tỷ năm 2023 giao cho Bộ Y tế mua vaccine… Hiện nay Bộ Y tế trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Thiết bị, Luật Dược… để trình theo đúng tinh thần Nghị quyết 99.

'Gia hạn đăng ký lưu hành thuốc giải quyết những vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị y tế' - Ảnh 4.

Các ĐBQH tham dự Hội nghị tại điểm cầu Diên Hồng.

Về khó khăn, vướng mắc Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, kinh phí bố trí cho công tác xây dựng pháp luật mặc dù mới được sửa đổi, bổ sung, đã điều chỉnh mức chi lên khoảng 1,5-2 lần so với các mức chi tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC, tuy nhiên, mức độ cải thiện chưa nhiều, chưa tạo được chính sách đột phá, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật như định hướng của Đảng, của Nhà nước.

Cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội cũng như huy động sự tham gia của chuyên gia trong quá trình tham gia xây dựng pháp luật do nguồn lực hạn chế nên chưa phát huy như mong muốn.

Về kiến nghị đối với Quốc hội, khối lượng công việc xây dựng luật pháp trong nhiệm kỳ khá nhiều nên trong thời gian tới Bộ Y tế mong muốn Quốc hội, các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho Bộ Y tế trong quá trình xây dựng pháp luật để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế mong muốn sẽ tiếp tục đề xuất các quy định liên quan đến văn bản hướng dẫn. Luật Khám bệnh, chữa bệnh có nhiều nội dung đã được triển khai thực hiện từ thời gian luật cũ, bây giờ căn cứ theo quy định luật mới thì chúng tôi phối hợp với Bộ Tư pháp sẽ trình lên Chính phủ theo hình thức rút gọn.

Hội nghị toàn quốc đánh giá về công tác triển khai 52 luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XVHội nghị toàn quốc đánh giá về công tác triển khai 52 luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV

SKĐS - Sáng 6/9, tại Nhà Quốc hội, UBTVQH tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn