Hà Nội

Giả giấy tờ qua mặt công chứng và văn phòng công chứng giả: Dấu đỏ sờ sờ vẫn chưa yên tâm?

26-10-2018 08:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Vừa qua, người dân và giới tư pháp ở TP.HCM náo động về vụ việc một phòng công chứng giả ngang nhiên mở cửa, đóng dấu chứng thực các loại giấy tờ, hồ sơ của người dân. Ở chiều ngược lại, không ít trường hợp lại giả mạo hồ sơ nhà đất, chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn... để qua mặt phòng công chứng. Trong khi các biện pháp đối phó còn nhiều hạn chế, sau vụ việc, nhiều người tỏ ra lo ngại vì ngay cả những giấy tờ có dấu đỏ công chứng trong tay nhưng vẫn chưa khiến họ hoàn toàn yên tâm...

Công chứng giả ngang nhiên “đóng dấu”

Ngày 22/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 9, TP.HCM cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với bà Nguyễn Thị Kim Nga (53 tuổi, quận 2, TP.HCM) về tội Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Bà Nga là người mở Công ty TNHH Dịch vụ kế toán, kiểm toán Sao Bắc Đẩu AFA có địa chỉ tại số 229 đường Man Thiện ( phường Hiệp Phú, quận 9).

VPCC giả vừa bị phát hiện.

VPCC giả vừa bị phát hiện.

Về vụ việc phát hiện Văn phòng công chứng (VPCC) Sao Bắc Đẩu giả tại 229 Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM đang được đông đảo dư luận quan tâm, ông Huỳnh Văn Hạnh - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn kỹ thuật Sao Bắc Đẩu được Sở KH&ĐT TP.HCM cấp giấy phép vào ngày 29/6/2018. Đến ngày 12/9, chủ cơ sở này bỗng dưng dán đề can lên biển là tiếp nhận hoạt động công chứng, chứng thực như một VPCC.

Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 10 ngày “dấm dúi” đi vào hoạt động, thông qua các kênh riêng, Sở Tư pháp đã phát hiện sự việc, cử cán bộ đi xác minh, thu thập chứng cứ. Ngay sau khi đã có đủ bằng chứng, Thanh tra Sở phối hợp với UBND quận 9, Công an quận 9 vào kiểm tra, lập biên bản. Cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này có treo biển hiệu, quảng cáo nơi đây là trụ sở diễn ra hoạt động hành nghề công chứng.

Sau khi kiểm tra, xác minh, Sở Tư pháp TP.HCM xác định bước đầu các cá nhân, tổ chức trên đã có hành vi hoạt động hành nghề công chứng trái phép, làm giả và sử dụng con dấu của Văn phòng Công chứng quận 12, công chứng viên (CCV) Nguyễn Thế Thành (thực tế công chứng viên này không đăng ký hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn TP.HCM). Sở đã chuyển hồ sơ đến Công an quận 9 để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Sở Tư pháp TP.HCM lập tức có công văn khẩn gửi Bộ Tư pháp, UBND TP.HCM, các cơ quan công an, Tòa án nhân dân thành phố, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố báo động việc thông tin, ngăn chặn giấy tờ giả.

Giấy tờ giả cũng “lọt khe” công chứng

Lập VPCC giả là một trường hợp hy hữu, tuy nhiên, việc giả mạo giấy tờ, hồ sơ để qua mặt phòng công chứng thì lại khá phổ biến và gây khá nhiều hệ lụy.

Ông Hoàng Xuân Ngụ - Trưởng VPCC Hoàng Xuân (quận 5, TP.HCM) chia sẻ: Gần đây, VPCC này tiếp nhận yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán nhà của một người tên P.T.N để nhận cọc 1 tỉ đồng bán căn nhà ở đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh.Sau khi kiểm tra giấy tờ, CCV nghi ngờ, yêu cầu lập biên bản, sau đó mới tá hỏa chính con trai bà N. đã làm giả CMND, hộ khẩu sao y, giấy xác nhận độc thân, thuê người giả bà N. và đã lừa được của người mua nhà 650 triệu đồng. VPCC đã chuyển người và tang vật là các giấy tờ giả cho Cơ quan CSĐT Công an quận 5 để xử lý.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó trưởng VPCC số 1 (quận 1, TP.HCM) cho biết, bản thân ông cũng phát hiện một trường hợp mua bán ôtô giấy tờ xe thật, CMND thật nhưng người bán không phải chủ sở hữu xe. “Khi nghi ngờ, tôi đề nghị người đi bán xe lăn tay thì phát hiện dấu vân tay không trùng khớp với CMND nên mời Công an phường Bến Nghé đến lập biên bản”, ông Hòa nói.

Tháng 10/2017, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ PC46, Công an TP.HCM cũng đã phải truy tìm Phạm Anh Bằng (24 tuổi, ở quận 8) để làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm tài sản. Trước đó, vợ chồng ông Minh (ở quận Bình Tân) cần tiền kinh doanh nên mang giấy tờ nhà ở hẻm 124 Phạm Đăng Giảng, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cầm cố để vay của Bằng 300 triệu đồng. Sau đó, Bằng làm giả CMND, hộ khẩu của vợ chồng người vay tiền đưa cho 2 đồng bọn đóng giả là chủ nhà đi công chứng làm giấy tờ chuyển nhượng căn nhà trên cho Bằng rồi đến UBND quận Bình Tân làm thủ tục sang tên. Hoàn thiện giấy tờ nhà “đàng hoàng”, Bằng mang đến ngân hàng thế chấp vay 1,4 tỷ đồng. Do anh ta không đóng lãi suất hàng tháng nên ngân hàng gửi thông báo đến địa chỉ trên đòi tiền thì phát hiện vụ việc.

Theo thống kê của Sở Tư pháp TP.HCM, các hành vi giả mạo phổ biến là giả mạo giấy tờ tùy thân, hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, giả mạo người yêu cầu công chứng.

Biện pháp ứng phó còn nhiều hạn chế

Tại hội nghị về Các giải pháp phòng ngừa, xử lý tình trạng giả mạo trong công chứng, chứng thực do UBND TP.HCM và Sở Tư pháp TP vừa tổ chức, các đại diện cơ quan tư pháp cho rằng, cần nhất vẫn là nâng cao nghiệp vụ của CCV vì đây là chốt chặn đầu tiên và quan trọng nhất.

Phó Trưởng phòng PC45 Công an TP.HCM Trần Văn Phú cho rằng, để có nguồn truy xét các đối tượng, đề nghị CCV yêu cầu các bên lăn tay, điểm chỉ trên hợp đồng công chứng, các dấu vân tay, điểm chỉ cần rõ ràng, sắc nét. Cạnh đó cần ghi nhận hình ảnh nhận dạng thật rõ ràng của các bên tham gia giao dịch và lưu trữ đầy đủ vào hồ sơ công chứng.


Nhật Phi
Ý kiến của bạn