Giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới khiến CPI tháng 9 tăng 1,08%

29-09-2023 09:53 | Thị trường

SKĐS - Một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 tăng 1,08% so với tháng trước.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, so với tháng 12/2022, CPI tháng 9 tăng 3,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,66%. CPI bình quân quý III/2023 tăng 2,89% so với quý III/2022. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng:

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng là nhóm có chỉ số giá tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng cao nhất với 7,33%, làm CPI tăng 1,38 điểm phần trăm do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng.

Nhóm giáo dục tăng 7,25% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,45 điểm phần trăm, nguyên nhân do một số địa phương tăng học phí trường công lập năm học 2023-2024 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời, các trường dân lập và tư thục cũng tăng học phí để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhóm giao thông tháng 9/2023 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 5,64% do từ tháng 9/2022 đến nay giá xăng A95 tăng 3.010 đồng/lít; xăng E5 tăng 2.410 đồng/lít và dầu diezen tăng 1.060 đồng/lít.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,04% làm CPI tăng 0,08 điểm phần trăm, do chi phí đầu vào sản xuất tăng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm, trong đó nhóm lương thực tăng 10,49%; thực phẩm tăng 1,17%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4%.

Bên cạnh đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,06%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,79%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,37%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,58%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,93%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,29% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại cố định và di động giảm.

So với tháng 12/2022, CPI tháng Chín tăng 3,12%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá và 1 nhóm hàng giảm giá.

Giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới khiến CPI tháng 9 tăng 1,08% - Ảnh 1.

Giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 tăng 1,08%.

Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng:

Nhóm giao thông tăng 6,14% so với tháng 12/2022, trong đó giá xăng dầu tăng 14,53% do từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 27 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.440 đồng/lít; xăng E5 tăng 4.220 đồng/lít và dầu diezen tăng 1.990 đồng/lít.

Nhóm giáo dục tháng Chín tăng 5,11% so với tháng 12/2022 do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,88% chủ yếu do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,66% do giá lương thực tăng 9,17% chủ yếu do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo thế giới; thực phẩm tăng 1,33%; ăn uống ngoài gia đình tăng 3,28%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,97% do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết.

Bên cạnh đó, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,24%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,21%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch 1,01%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,37%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,21%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông tháng Chín giảm 1,17% so với tháng 12/2022 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Xem thêm video đang được quan tâm

Xót xa hình ảnh tan hoang nơi tâm lũ Nghệ An: Hơn 1000 nhà ngập, tài sản mất trắng.

P.Chinh
Ý kiến của bạn