Giá gạo Việt đắt nhất thế giới, doanh nghiệp vẫn chi 1,24 tỷ USD nhập khẩu

06-12-2024 07:15 | Thị trường
google news

Trong bối cảnh giá gạo Việt đang đắt nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu top đầu thế giới, doanh nghiệp nước ta đã mạnh tay chi 1,24 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tháng 11 vừa qua, nước ta đã xuất khẩu thêm 700.000 tấn gạo, thu về gần 445 triệu USD. Tính đến hết tháng 11 năm nay, xuất khẩu gạo vọt lên gần 8,5 triệu tấn, giá trị đạt 5,31 tỷ USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị. Mặt hàng này cũng lập kỷ lục lịch sử về cả sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2024 đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, ở phân khúc gạo tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu, giá gạo Việt đang đắt đỏ nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu top đầu thế giới. Cụ thể, giá gạo Việt ngày 3/12 ở mức 517 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 18 USD/tấn, hơn hàng Pakistan và Ấn Độ lần lượt 64 USD/tấn và 66 USD/tấn.

Bộ NN-PTNT cũng cho biết, tính đến tháng 10/2024, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường tiếp theo, với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%.

So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2024 sang thị trường Philippines tăng 59,1%. Trong khi, thị trường Indonesia tăng 20,2% và thị trường Malaysia ghi nhận mức tăng đột biến gấp 2,2 lần.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại giảm mạnh 71,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, 11 tháng qua, ngành gạo Việt xuất siêu 4,07 tỷ USD, tăng 14,6%. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt cũng chi 1,24 tỷ USD để nhập khẩu các loại gạo nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất.

Các chuyên gia và doanh nghiệp lý giải, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở ngưỡng khá cao so với các quốc gia khác. Do đó, nguồn gạo nội địa được các doanh nghiệp ưu tiên để xuất khẩu. Còn nhu cầu gạo phục vụ sản xuất chế biến bún, bánh, phở,... chủ yếu là gạo ở phân khúc cấp thấp nên doanh nghiệp chọn hàng nhập khẩu sẽ có lợi thế hơn về giá.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, lúa gạo Việt Nam đang đi theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, tiến tới giảm phát thải.

Đến thời điểm này, 95% giống lúa của Việt Nam là các giống lúa chất lượng cao, 89% sản lượng gạo là gạo chất lượng cao. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam vẫn neo ở mức 627 USD/tấn dù Ấn Độ đã mở cửa trở lại với đường đua xuất khẩu gạo.

Nếu Việt Nam thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, chắc chắn giá trị của ngành hàng lúa gạo còn tăng cao. Đó chính là lợi thế của quốc gia, ông nhấn mạnh.


Tâm An (Vietnamnet)
Ý kiến của bạn