Hà Nội

Giá đỗ làm thuốc

SKĐS - Giá đỗ là một nhóm rau mầm làm từ các loại đỗ: đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ vàng (đỗ tương) đỗ đen, đỗ nâu (đậu phộng).

Nói chung là ở dạng nảy mầm này giá sẽ có thêm cả chất và lượng chất bổ mà ở dạng hạt không có. Qua quy trình ngâm ủ, giá sẽ gia tăng hàm lượng protein, axit amin, các vitamin và khoáng chất... Không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, rẻ tiền, giá đỗ còn có nhiều công dụng chữa bệnh.

Giá đậu xanh: Được dùng nhiều nhất để làm thức ăn và làm thuốc. Giá đỗ xanh dùng an toàn, dễ tiêu hóa, chữa được nhiều bệnh hơn, đặc biệt ở tính chất giải độc đa năng nội ngoại sinh. Giá đỗ xanh có đủ các chất dinh dưỡng (đạm béo đường, vitamin, khoáng); đặc biệt là nhiều vitamin C và E, phytosterol, cho lượng calo thấp. Dùng tốt cho người bị viêm thanh quản mất tiếng, mỏi cơ do vận động thể thao, người béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, cholesterol máu cao, người hiếm muộn, dễ sẩy thai. Ngoài ra còn có tác dụng khử gốc tự do, chống lão hóa...

Giá đỗ xanh được dùng nhiều nhất để làm thức ăn và làm thuốc.

Giá đỗ xanh được dùng nhiều nhất để làm thức ăn và làm thuốc.

Giá đậu nành (đậu tương): so với hạt thì giá đậu tương có hàm lượng vitamin B2 gấp 2-4 lần, B12 gấp 10 lần, C gấp 40 lần, caroten (tiền sinh tố A) gấp 2-3 lần, vitamin nhóm B tăng 30 lần. Giá đậu nành chứa rất nhiều protein và protein này rất tốt để thay thế cho protein động vật vì ít chất béo, đặc biệt trong mầm đậu tương chứa chất isoflavones tương tự kích tố nữ estrogen để phòng chữa một số bệnh, đặc biệt là sức khỏe phụ nữ, giảm các nguy cơ bệnh tim, loãng xương và duy trì thời xuân sắc cho chị em...

Viêm họng, ho khan, tiểu ít: sắc giá đậu nành với ít trần bì (vỏ quýt lâu năm) để ngậm, uống.

Dạ dày tích nhiệt: giá đậu nành 500g, tiết lợn sống 500g. Nấu canh ăn.

Hạ mỡ máu, chống béo, hạ huyết áp, chữa suy nhược: giá đậu nành 250g, đậu phụ 200g, cải dưa 100g, dầu đậu tương, gia vị. Xào giá rồi cho nước đun sôi, cho tiếp đậu phụ, cải dưa, hầm kỹ để ăn.

Phụ nữ có thai tăng huyết áp: giá đậu nành đun kỹ lấy nước uống nóng. Ngày 2 lần.

Da khô, nếp nhăn, đồi mồi: giá đậu nành khô 500g, rang tán nhỏ mịn trộn ít rượu trắng. Uống 3g mỗi lần. Ngày 3 lần, liên tục 3 tháng.

Hỗ trợ điều trị ung thư: nấu giá đậu nành với cam thảo nâng cao hiệu quả các trị liệu ung thư, giảm thiểu độc hại của hóa trị, xạ trị.

Giá đậu đen: vị ngọt, tính bình, không độc. Trị chứng tê thấp, gân co rút, trừ hơi nóng trong dạ dày. Bổ khí, nhuận da dẻ, mạnh cả ngũ tạng. Ngày dùng 20-60g hoặc nhiều hơn.

Trị phong hàn, gió độc, tà khí phạm vào huyết mạch gây phù, nặng nề, tê dại, đau nhức cơ khớp: giá đậu đen 500g, sao thơm tán mịn. Mỗi lần dùng 10g với ít rượu nóng. Ngày 3 lần.

Trị phù thũng, thở nhanh yếu, đại tiểu tiện ít, khó đi: giá đậu đen sao giấm 1 phần, đại hoàng sao 1 phần. Tán mịn, mỗi lần uống 8g với nước trần bì sắc đặc. Ngày 2 lần. Thấy đại tiểu tiện đã thông thì dừng.

Trị phong thấp tê, gân co rút, đau gối nhức, bụng nóng, đại tiện táo: giá đậu đen 100g tẩm giấm sao vàng tán mịn. Mỗi lần uống 1 muỗng với ít rượu trước khi ăn. Ngày 2-3 lần.

Giá đậu đỏ:

Chữa phù nề: nấu canh chua đầu cá chép với giá đậu đỏ.

Lưu ý: Giá là loại rau sạch nếu được sản xuất theo quy trình cổ điển. Cần phải cảnh giác với loại giá bằng cách ướp những chất kích sinh (có độc) để nhanh tạo ra giá mập, đẹp mắt.


BS. Nguyễn Kỳ
Ý kiến của bạn