Gia đình lập bảo tàng cho âm nhạc Hoàng Vân

11-05-2018 10:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sắp tới tròn 100 ngày mất của nhạc sĩ (NS) Hoàng Vân (14/5/2018). Gia đình nhạc sĩ đã lập một trang web cho ông. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với con gái NS Hoàng Vân là Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh về trang web đó. (http://hoangvan.org/).

Xin Tiến sĩ cho biết ý nghĩa của việc ra mắt trang web của cố NS Hoàng Vân.

Từ lâu gia đình chúng tôi đã ấp ủ là phải làm sao tập hợp, thống kê lại cách thức như một thư viện để lưu giữ những sáng tạo của ông. Trước đây, tôi chỉ nghĩ tập hợp được vào CD để ở thư viện gia đình và in một cuốn sách với tất cả các tổng phổ là ổn. Tuy nhiên, âm nhạc là bộ môn nghệ thuật thời gian, nhạc phải được chơi, ca khúc phải được hát lên, chính vì vậy với thời công nghệ kỹ thuật số hiện nay, trang web là một phương tiện tốt cho cái bảo tàng sống này, từ đó âm nhạc có thể đến với bất cứ ai, rất dễ dàng.

Trong một thời gian ngắn, 100 ngày mà gia đình đã ra được một web có nội dung đầy đủ như vậy, thật là một điều thần kỳ?

Phần vì chúng tôi muốn biến nỗi đau đớn mất mát thành một điều thật có ý nghĩa, một sự lạc quan hướng tới ngày mai như cha chúng tôi luôn mong muốn. Cũng cần nói thêm, đó là ý tưởng ấp ủ cũng đã lâu và chúng tôi cũng đã thu thập được nhiều bài thu thanh từ những năm 2000. Năm 2015 khi cha tôi ốm nặng tôi cũng đã lọc tìm được hết những tổng phổ, đặc biệt là những bài chưa công bố, và đã lưu dưới dạng số. Thế nên khi cha ra đi, tôi chia sẻ kinh nghiệm xử lý thông tin và em tôi, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã góp phần rất nhiều vào việc lọc tư liệu tổng phổ và tư liệu thu thanh, cộng với một phương pháp làm việc tốt, thế là có hiệu quả. Thú thực chúng tôi cũng rất bận, nhưng chúng tôi đã đặt ra mục tiêu, hoàn thành trang web này vào một trăm ngày của bố.

Gia đình lập bảo tàng cho âm nhạc Hoàng VânNhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018).

Người mê nhạc có thể tìm được những gì trên web này?

Trước hết là có thể nghe nhạc của Hoàng Vân. Có thể vào tìm các play-list ưa thích theo chủ đề, hoặc tìm được từng bài, có thể tra cứu lời, với một số điều kiện, có thể tra được tổng phổ của từng bài, trang web cũng công bố rất nhiều tổng phổ là bút tích viết từ chính bàn tay NS.

Trang web có tham vọng là thống kê được tất cả những gì có liên quan đến NS Hoàng Vân trong từng tác phẩm, cuộc đời nghệ thuật và âm nhạc, vậy nên sẽ là một kho tư liệu cho những người muốn tìm kiếm tất cả những gì liên quan.

Họ có thể khám phá thêm được những điều hay, đẹp trong cuộc đời cũng như tác phẩm của ông. Trang web là một dụng cụ mở và nhanh nhạy, tôi đề nghị đặt chế độ giao lưu để xin được tư liệu, hồi ký của những người có hảo tâm muốn công bố cho chúng ta biết được nhiều điều hơn nữa về thân thế và tác phẩm của nhạc sĩ. Ngày hôm nay trang web này chỉ như một ngôi nhà mới xây và có một chút trang bị cơ bản, nhờ giao lưu và cố gắng của người tới thăm nhà, chúng tôi hy vọng sẽ trang trí được ngôi nhà này toàn thiện toàn mỹ như NS Hoàng Vân hướng tới lúc sinh thời.

Đây cũng là nơi chúng tôi liên hệ với các ca sĩ, nhạc sĩ, đơn vị biểu diễn âm nhạc để tạo ra nguồn giao lưu nhằm làm sống lại những tác phẩm của nhạc sĩ trên sân khấu, trong các trường, khắp miền đất nước, đúng vị trí mà nhạc sĩ kỳ vọng lúc sáng tác ra chúng.

Tiến sĩ nghĩ gì khi soạn thảo ra sườn thuyết minh của các phần trong trang web, chắc phải mất rất nhiều thời gian?

Tôi là nhà lý luận âm nhạc, nhưng nghĩ rằng tôi không thể viết gì hay hơn ông đã viết, nên không bình luận gì, chỉ đơn giản trích một đoạn này, lược một câu kia, để vào bối cảnh của mục liên quan, là đủ. “Ý tại ngôn ngoại” cha tôi vẫn dạy như thế, nhưng ý của cha viết trong từng bài đủ sức thuyết phục và giàu có để tồn tại độc lập.

Trên trang web có mục Foundation Sự nghiệp NS Hoàng Vân, tiến sĩ có thể nói rõ hơn về điều này?

Foundation là một hình thức cụ thể hóa để là nơi hội tụ những ý tưởng mà chúng tôi muốn làm để nhạc Hoàng Vân ngày càng gần với quần chúng yêu thích nó. Ý tưởng này là làm sao bảo tồn, phân tích giá trị và quảng bá âm nhạc của nhạc sĩ bằng nhiều phương thức khác nhau: khuyến khích công trình nghiên cứu, trợ giúp cho những người muốn tìm hiểu và nghiên cứu, hỗ trợ những dự án biểu diễn tác phẩm của nhạc sĩ. Việc chúng tôi kêu gọi ủng hộ là để đưa vào một quỹ phục vụ cho mục đích này và trang web là một phương tiện để Foundation tập trung và thông tin về những hoạt động này.

Tiến sĩ và em trai (nhạc trưởng Lê Phi Phi) còn có những dự kiến gì trong tương lai gần và xa?

Trước hết chúng tôi hy vọng là nhờ sự ủng hộ của bạn bè đồng nghiệp xa gần để thu thập “hiện vật” cho bảo tàng sống này: thu thập và đăng hồi ký, kỷ niệm, ảnh, thư, thơ, tổng phổ, bản thu nhạc, chuyện vui chuyện buồn liên quan đến sự ra đời của các tác phẩm... Cha chúng tôi có một cuộc đời thật may mắn vì có triệu người yêu quý, hâm mộ, chúng tôi mong thu thập lại những kỷ niệm này và công bố để công chúng hiểu hơn và có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc đời và tác phẩm của ông. Thứ nữa là công bố trong những điều kiện tối ưu nhất những tác phẩm chưa đưa ra công chúng, có tới gần trăm bài hát, bản nhạc hiện chúng tôi đã tìm được, có những tác phẩm viết từ những năm 60. Trang web cũng công bố những bài viết về cuộc đời và tác phẩm của nhạc sĩ và khuyến khích những nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc khai thác chất liệu này. Em tôi và tôi không làm được tròn nghĩa vụ người con như chúng tôi mong muốn lúc cha tôi còn sống, chúng tôi đã hẹn nhau là sẽ dùng phần còn lại của cuộc đời để hoàn thành sứ mạng mà chúng tôi tự định ra này và mong muốn rằng sẽ có.

Trong các dự án đó có dự tính đến các đêm nhạc tưởng nhớ cố NS Hoàng Vân?

Đây sẽ là đỉnh điểm và mục tiêu chính của Foundation, chúng tôi đang suy nghĩ nhiều về dự án này với sự hỗ trợ của các bạn và đồng nghiệp. Chúng tôi sẽ cập nhật kịp thời các thông tin liên quan.

Xin cảm ơn Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh!


Nhà văn: Trần Thị Trường
Ý kiến của bạn