Tết đến, cho dù có pháo hoa, đường hoa trong sinh hoạt vui vẻ cộng đồng đầu năm mới thì Tết vẫn là trong từng gia đình. Vui vẻ mà đầm ấm là trong từng gia đình. Nhiều nhà lãnh đạo, quản lý hoặc các doanh nhân, nghệ sĩ… thành đạt thường nói tới vai trò gia đình mà họ gọi là “hậu phương”.
Hậu phương theo nguyên nghĩa chỉ nơi chi viện cho các cuộc chiến đấu ở tiền tuyến; tiền tuyến là phía trước, hậu phương là phía sau. Phía sau được nhiều người hiểu trong đời thường là gia đình, trước hết là người chồng, người vợ hết lòng vì sự nghiệp của người thân.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược, chúng ta thường nói tới với lòng đầy kính trọng về tiền tuyến lớn miền Nam và xác định hậu phương lớn là miền Bắc. Ở hậu phương lớn có các phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người; Chiếc gậy Trường Sơn; Xe chưa qua nhà không tiếc… góp công sức cho cuộc chiến đấu ở tiền tuyến lớn, chung sức làm nên Ngày thống nhất giang sơn.
Nghĩ lại chuyện này vì năm 2014, cả nước kỷ niệm 60 năm chiến thắng lẫy lừng Điện Biên, giới truyền thông đã rất chính đáng khi nói đến vai trò vô cùng quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, các dũng sĩ trên mặt trận. Rồi cũng nói tới các mặt trận phối hợp với chiến trường chinh từ Đồng bằng sông Cửu Long, Trung bộ, tả hữu ngạn sông Hồng Dông, Tây Bắc. Nhưng lại nhớ tới công việc ở hậu phương. Hậu phương có nhiều việc, hãy chỉ kể việc chi viện lương thực, thực phẩm cho chiến trường chính.
Khi chiến dịch mở ra, tôi là chính trị viên đại đội đang hoạt động tại vùng địch hậu Thái Bình ở tả ngạn sông Hồng. Ở đây địch đóng đồn, càn quét, còn tìm nhiều cách phá hoại kinh tế như đóng cống Trà Linh… Cuộc sống và chiến đấu của quân đội và nhân dân thiếu thốn mọi bề nhưng theo chỉ thị của Trung ương, tỉnh thành lập bộ phận chi viện chiến trường do một đồng chí Phó bí thư tỉnh ủy phụ trách. Cùng với phá kế hoạch Revers, phá đồn bốt phối hợp với chiến trường chính, đại đội tôi có thời gian được trao trách nhiệm bảo vệ cho các đoàn thuyền tranh thủ thời gian không có tàu địch tuần tiễu để vượt sông Hồng đưa gạo sang hữu ngạn, còn làm cách nào để những hạt gạo nhỏ nhoi của vùng địch hậu đến chiến trường thì lúc đó chúng tôi không hề biết.
Sau Hiệp định Geneve, chúng tôi mới được biết các đoàn xe thồ rồi đọc tiểu thuyết Thồ lên Điện Biên của nhà văn, nhà báo Đào Phương và thăm bảo tàng Điện Biên thấy có những chiếc xe thồ tay ngai của đoàn dân công Thanh Hóa mà kỷ lục chuyên chở tới hơn 300kg lương thực, đặt trang trọng bên cạnh những cỗ pháo mới thấy một phương tiện “rất Việt Nam” trong chi viện cho chiến trường.
Tài liệu đủ loại về chiến thắng Điện Biên rất phong phú nhưng trước đây, tôi chỉ hay đọc hồi ký các tướng lĩnh để hiểu thêm chiến công rất đáng khâm phục. Nhưng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng vừa qua, tôi muốn tìm hiểu toàn diện hơn, tìm hiểu thêm về hậu phương. Và những số liệu thực sự đã làm cho tôi sửng sốt.
Để chuyển 1 kilogam gạo tới tay chiến sĩ ở Điện Biên phải cần tới 5 lần vì người vận chuyển cho dù tằn tiện dành gạo cho các chiến sĩ cũng phải ăn hết 4 kilogam trên đường dài từ Thanh Hóa ra. Phục vụ hậu cần cho chiến dịch lịch sử này, cả nước phải huy động tới 26 vạn người khuân vác, hơn 2 vạn chiếc xe đạp thồ của Thanh Hóa leo đèo vượt suối lên Điện Biên, rồi 11.800 chiếc mảng, 500 con ngựa và 400 xe vận tải hậu cần cho chiến dịch… Nếu tôi nhớ không nhầm thì số người phục vụ hậu cần trực tiếp cho chiến dịch nhiều hơn số bộ đội chiến đấu tại chỗ (?). Nhưng quan trọng là sự chi viện lớn lao đó trong không khí hồ hởi, tự nguyện… thì ra sức mạnh hậu phương rất to lớn, có vị tướng trong Bộ tư lệnh chiến dịch đã nói đại ý, không có đoàn xe thồ thô sơ đó thì khó làm nên chiến thắng. Nghe nói lại thì Bộ Chính trị đã trao việc to lớn và hệ trọng này cho các đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Trần Đăng Ninh là các đồng chí lãnh đạo của Đảng và quân đội rất được tin cậy.
Đang nói chuyện gia đình trong ngày Tết sao lại lan man sang chuyện chiến thắng Điện Biên? Thực ra muốn nói tới mối quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến hiểu theo nghĩa đời thường vì nhiều người thành đạt thường ví gia đình là hậu phương và nói về vai trò quan trọng của gia đình, của người vợ, người chồng trong sự nghiệp của mình và “của chồng, công vợ”, không công ai lớn hơn ai.
Gia đình - hậu phương êm ấm, hạnh phúc là bệ đỡ tinh thần vững chắc cho thành đạt của mỗi thành viên ngoài đời.
Hữu Thọ