Gia đình đạt 3 Giải thưởng Hồ Chí Minh
Nhắc đến những dòng họ nổi tiếng ở Việt Nam, có lẽ không thể thiếu gia đình GS.TSKH. Lê Thế Trung - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là gia đình có 3 đời liên tiếp đi theo ngành Y. Còn nếu tính cả gia đình thông gia, các con, cháu, dâu rể thì có tới gần 20 người đã và đang công tác, cống hiến trong lực lượng vũ trang nói chung, ngành Y nói riêng.
Tính từ thời điểm GS. Lê Thế Trung là y tá Vệ quốc đoàn năm 1946 thì đến nay, đại gia đình đã có 77 năm gắn bó với Quân y. Không chỉ kỷ lục ở con số chiều dài thời gian, sự nghiệp của gia đình GS. Lê Thế Trung còn vô cùng rực rỡ với nhiều thành tích đáng tự hào: 2 thiếu tướng (GS. Lê Thế Trung và con trai - GS. Lê Trung Hải); 3 người được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ.
Không chỉ là chuyên gia đầu ngành về ngành bỏng, GS. Lê Thế Trung còn để lại dấu ấn đậm nét ở nhiều chuyên ngành khác với vai trò là người khởi xướng. Ông là người đứng đầu chỉ đạo và tổ chức thực hiện ca ghép thận đầu tiên thành công ở Việt Nam vào tháng 6/1992. Tháng 1/2004, GS. Lê Thế Trung là đồng Trưởng ban Chỉ đạo ca ghép gan trên người đầu tiên ở Việt Nam. Ông cũng là người khởi xướng, xây dựng ngành Y học thảm hoạ tại Việt Nam.
Nói về người cha tài năng của mình, Thiếu tướng - GS. Lê Trung Hải cho biết, ông ngưỡng mộ và học hỏi cha mình từ điều giản dị nhất. Ông kể: "Ở cha tôi có cả tinh thần của "quân" lẫn "y". Chính tinh thần người lính đã hình thành và rèn luyện cho cha tôi đức tính cần cù, chăm chỉ và kỷ luật cao. Có một phương pháp làm việc được ông duy trì từ khi còn trẻ cho đến những năm tháng cuối đời, đó là ghi chép những nghiên cứu và lưu giữ chúng rất đầy đủ".
Từ khi làm y tá Vệ quốc đoàn hành quân trên mặt trận, trên balo của anh lính trẻ Lê Thế Trung luôn có cuốn sổ ghi chép kiến thức chuyên môn từ sách vở, thực tiễn hoặc các cuốn từ điển nhỏ để học ngoại ngữ. Bằng phương pháp tự học và rèn luyện mọi lúc mọi nơi, GS. Lê Thế Trung nói được tiếng Pháp (học từ hồi phổ thông), tiếng Nga và tiếng Anh mà sau này đã hỗ trợ rất đắc lực trong công tác thực hành và nghiên cứu. Rồi những cuốn sổ chép tay từ năm 1946, quyển lịch ghi chi chít các hoạt động nghề nghiệp của ông hàng chục năm về trước... Thời bình, khi làm việc tại cơ quan hay tại nhà riêng, ông đều có sổ ghi chép bên cạnh. Ông nói rằng, làm khoa học, điều quan trọng nhất chính là ý thức sưu tầm và lưu giữ tài liệu. Sau mỗi chuyến công tác, với các tư liệu ghi chép và hình ảnh có được, ông thường ứng dụng trong thực tiễn và nâng lên thành lý luận giúp phát triển chuyên ngành.
Người kế thừa xuất sắc
Cũng như cha mình, từ khi còn trẻ, Thiếu tướng - GS. Lê Trung Hải đã có mong muốn được theo nghề y. Sau khi tốt nghiệp với điểm bình quân 6 năm học cao nhất Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y), tháng 3/1981, ông đã được lên tăng cường biên giới phía Bắc, vừa trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu, vừa cứu chữa thương binh, bệnh binh. Hành trang của ông khi đó cũng không thiếu những cuốn sách và sổ ghi chép. Có ngày, ông cấp cứu, xử lý vết thương cho hàng chục thương binh, phải đứng mổ suốt ngày đêm vì nhiều thương binh từ tuyến trước chuyển về. Tất cả đều được ông ghi chép cẩn thận, cả trong sổ tay lẫn trí nhớ. Từ những "trận chiến" ấy, "trái ngọt" đầu tiên trên con đường khoa học của ông đã thành hình, đó là báo cáo "Nhận xét công tác xử trí thương binh tại bình độ X" đã được chọn giới thiệu tại hội nghị toàn quân. Từ dấu mốc ấy đến nay, sau hơn 40 năm, GS. Lê Trung Hải đã có thêm hàng trăm bài báo khoa học, hàng chục cuốn sách ra đời.
Dấu ấn đặc biệt với Thiếu tướng - GS. Lê Trung Hải là tham gia ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam năm 1993. Ông có tên trong hội đồng ghép tạng, gồm GS. Tôn Thất Bách, GS. Lê Thế Trung cùng các chuyên gia đầu ngành tiến hành mổ ghép thành công. Sau ca ghép lịch sử này, GS. Lê Thế Trung, GS. Lê Trung Hải còn thực hiện thành công rất nhiều ca ghép tạng khác, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc ấy, năm 2005, lần đầu tiên trong danh sách đồng tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ dành cho cụm công trình ghép tạng có tên cha con Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Thế Trung và GS. Lê Trung Hải (năm 2010, con trai út của GS. Lê Thế Trung là Đại tá Lê Trung Thắng cũng vinh dự được trao giải thưởng danh giá này).
Truyền thống gia đình chính là sức mạnh nội sinh
Hiện tại, dù đã nghỉ hưu nhưng GS. Lê Trung Hải (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân y và Phó Giám đốc BV Quân y 103) còn bận rộn hơn. Ông được tín nhiệm với vai trò Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam nên khối lượng công việc rất nhiều.
Ông bảo, được làm công việc mình say mê và sinh ra trong gia đình giàu truyền thống với ngành Y chính là những may mắn trong cuộc đời. Cũng như ông, hai con trai đang là những thành viên kế thừa xuất sắc truyền thống gia đình. Sự trao truyền ấy không phải theo nghĩa cơ học, mà được gói gém cả sự say mê, tận tụỵ và tự lập nên sự nghiệp. Đó mới là sự trao truyền ý nghĩa và đáng tự hào.
Nói về sự thuận lợi trong gia đình truyền thống, GS. Lê Trung Hải chia sẻ: "Nghề nào cũng đều đáng quý nhưng nếu có sự tiếp nối trong gia đình thì sẽ rút ngắn được quá trình học, vì thừa hưởng được rất nhiều điều, như kinh nghiệm, nguồn tài liệu, trao đổi được mọi lúc mọi nơi… Nó cũng tương tự như sinh ra trong gia đình âm nhạc, con cái hàng ngày được nghe đàn ca thì chắc chắn sẽ thẩm thấu vào tư duy, cảm xúc, hình thành nên thẩm mỹ âm nhạc nhạy bén hơn người bình thường".
GS. Lê Trung Hải khi được hỏi về cả hai con trai đều theo nghề của bố mẹ có phải là do định hướng? Ông chia sẻ: "Gia đình tôi luôn tôn trọng lựa chọn của các con vì chúng tôi quan niệm, làm nghề nào cũng đều đáng quý, miễn là nỗ lực và cống hiến hết mình. Bản thân các con cũng ý thức rất rõ sự tự hào và cả "áp lực" của truyền thống gia đình nhiều danh tiếng để từ đó luôn phải nỗ lực, cố gắng".
Cũng theo GS. Lê Trung Hải, truyền thống gia đình có cái hay nữa là không phải giáo huấn, dạy dỗ quá nhiều mà con cái chỉ cần nhìn vào việc làm, hành động của cha mẹ, ông bà mình chứ không phải học ở đâu xa. Nhưng truyền thống gia đình chỉ là một yếu tố. Học nghề Y đòi hỏi sự nỗ lực và chịu khó rất cao mới thành nghề được. Ngoài tay nghề, anh còn phải "mổ bằng cái đầu", nghĩa là phải có kiến thức sâu rộng cùng thực hành nhiều để tích luỹ thành kinh nghiệm cá nhân. Như cầu thủ bóng đá, tài năng một phần thôi, còn lại là nhờ chăm chỉ. Có người chiều cao khiêm tốn nhưng sức bật, sức nhảy rất cao vì hơn người khác ở khả năng luyện tập.
Vươn ra biển lớn
Tự hào về cha và đến bây giờ, điều đó đang được chuyển hướng sang các con. Ánh mắt GS. Lê Trung Hải như rạng rỡ hơn khi nói về các con Lê Trung Hiếu và Lê Trung Đức.
Nếu như con trai thứ hai của ông đi theo chuyên ngành của mẹ - ngành nội thần kinh và đang làm nghiên cứu tiến sĩ ở Nhật Bản thì con trai lớn hiện viết tiếp con đường của ông cha trong lĩnh vực ghép tạng.
Ngay từ khi là sinh viên, con trai cả của ông là Lê Trung Hiếu đã nổi tiếng với thành tích học tập. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa tại Học viện Quân y và đạt danh hiệu Thủ khoa xuất sắc của Bộ Quốc phòng và Thành đoàn Hà Nội, năm 2012, bác sĩ trẻ Lê Trung Hiếu bén duyên với chuyên ngành ghép tạng và theo đuổi công việc đó cho tới nay.
"Ngay từ những năm tháng trước đây rất khó khăn, thiếu thốn, bố tôi đã khắc phục và vinh dự được cử đi học Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học về Điều trị Bỏng chiến tranh ở Liên Xô cũ và sau đó ông còn vinh dự được nhận bằng Tiến sĩ Y học cổ truyền do Tổng thống Ấn Độ trao tặng. Bố tôi học hỏi quốc tế và mang về áp dụng với đặc thù Việt Nam để rồi được chính quốc tế học hỏi, hợp tác vì tạo ra nhiều kỳ tích trong lĩnh vực chữa bỏng và kết hợp 2 nền y học.
Cá nhân tôi cũng có nhiều khoảng thời gian học tập, nghiên cứu về ngoại khoa và ghép tạng ở các nước tiên tiến như Đức, Mỹ, Nhật Bản... Sau đó cùng các chuyên gia trong ngành đẩy mạnh phát triển tiến bộ kỹ thuật gan mật tụỵ, được quốc tế đánh giá cao. Đến bây giờ các con tôi với sức trẻ và sự nhiệt huyết, tinh thần giao lưu quốc tế còn mạnh mẽ hơn", Thiếu tướng - GS. Lê Trung Hải nói về sự tiếp nối tinh thần quốc tế trong gia đình ông.
Hiện con trai lớn của GS. Lê Trung Hải là BS. Lê Trung Hiếu đang đảm nhiệm vai trò Phó tổng Thư ký Phân hội Phẫu thuật gan mật tụy Việt Nam, phụ trách công tác đối ngoại, thành viên của Hội Phẫu thuật gan mật tụy thế giới và châu Á - Thái Bình Dương. Anh cũng là thành viên Ban biên tập Tạp chí Quốc tế Frontiers in Enterology có chỉ số uy tín cao trong lĩnh vực tiêu hóa, gan mật.