Gia đình đi bằng cả 4 chi và tranh cãi về giả thuyết con người có thể “tiến hóa ngược”

07-09-2014 13:13 | Y học 360
google news

Đại gia đình họ Ulas ở Thổ Nhĩ Kỳ có 19 thành viên nhưng năm người trong số họ mắc một dạng dị tật phải di chuyển bằng cả bốn chi.

Các thành viên trong gia đình Ullas

Trong khi đó 14 người còn lại đều bình thường. Hiện tượng này bao năm qua đã trở thành một thách thức đối với ngành di truyền học. Mới đây, các nhà khoa học mới đưa ra được những giả thuyết bước đầu về nguyên nhân khiến gia đình “tiến hóa ngược” chỉ có thể di chuyển bằng cả hai chân và hai tay.

Thích di chuyển như động vật

Năm 2005, người ta phát hiện ra năm anh chị em nhà Ulas sinh sống tại tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhỹ Kỳ phải dùng cả chân và lòng bàn tay để di chuyển.  Hai người trong số họ có thể thẳng người hơn một chút nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn và cả đầu gối, đầu đều phải khom lại. Ba người còn lại tuyệt nhiên phải sử dụng hai tay như chức năng của một đôi chân. Trước hiện tượng lạ này, nhiều nhà khoa học đã tới viếng thăm gia đình Ulas với mong muốn tìm hiểu rõ căn nguyên và giúp họ trở về cuộc sống bình thường. Theo quan sát của các nhà khoa học, năm thành viên “tiến hóa ngược” của gia đình này có thể di chuyển nhanh nhẹn bằng chân và tay. Họ dường như rất phù hợp với kiểu di chuyển này nên không hề gặp khó khăn gì trong sinh hoạt, ngay cả khi lên xuống cầu thang. Điều này trái ngược rõ rệt với những người trưởng thành bình thường khi bắt chước dáng đi tương tự, thường đem lại cảm giác mệt mỏi và không thoải mái.

Tuy nhiên, những người này nói rất ít và số từ họ có thể nói chỉ vỏn vẹn dưới 100. Do vậy, họ gặp khó khăn khi trả lời một số câu hỏi của người bình thường. Cùng câu hỏi: “Số mấy đây?” nhưng câu trả lời nhận được từ năm anh chị em nhà Ulas lại khác nhau như “80”, “90”, thậm chí còn có câu trả lời khiến người khác phải ngạc nhiên như “động vật”, “tháng 7” hay “nhà”. Khi được chỉ vào đôi giày màu đỏ và hỏi: “Cái gì đây?” thì một trong số họ trả lời là “củ khoai tây”. Theo kết luận của nhà sinh học Uner Tan - người nghiên cứu hiện tượng là này thì trí óc và khả năng giao tiếp của “người bốn chân” cũng bị chậm phát triển.

Năm thành viên nhà Ulas mắc căn bệnh chỉ có thể di chuyển bằng cả chân và tay bao gồm bốn nữ, một nam, có lứa tuổi từ 18 cho tới 34. Họ phải chấp nhận cách đi đứng “khác người” này từ khi biết đi. Mặc dù đã được gia đình đưa đi khám, chữa trị nhiều nơi nhưng các bác sĩ không thể tìm được nguyên nhân gây ra căn bệnh này để đưa ra cách điều trị phù hợp. Do đó, 14 thành viên bình thường của gia đình luôn phải trông chừng và bảo vệ 5 thành viên không bình thường. Tuy bị hạn chế về khả năng ngôn ngữ nhưng 4 chị em gái có thể mót đồ, người con trai thì đi quanh nơi họ sinh sống nhặt chai lọ, sau đó dùng răng đặt “thành quả” vào một chiếc túi được làm bằng áo sơ mi của mình.

Vẫn chưa tìm ra lý giải khoa học cuối cùng

Kể từ khi được phát hiện vào năm 2005, năm anh chị em trong gia đình Ulas đã mở ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà khoa học về bản chất của tình trạng khuyết tật này. Một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết, dáng đi của năm thành viên trong gia đình Ulas tương tự như loài linh trưởng, cho thấy đây là một giai đoạn tiến hóa trong quá trình tiến hóa của con người. Những người này khi đến giai đoạn tiến hóa như loài linh trưởng thì dừng lại. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ sau này lại cho rằng dáng đi đó là sự thích nghi với một loại rối loạn gene hiếm và chưa từng thấy. Còn cuốn phim tư liệu quay từ năm 2006 của đài BBC thì giải thích về lối đi lại khác thường này là do sự “tiến hóa ngược”. Trong đó, nhà sinh học Uner Tan (Đại học Cukurova, Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng, anh em nhà Ulas mắc hội chứng “tiến hóa ngược”, không phát triển theo đặc điểm cơ thể con người mà phát triển theo cơ thể của loài linh trưởng – loài vật được cho là có chung tổ tiên với con người. “Ý tưởng về sự tiến hóa ngược chỉ là chớp nhoáng, tôi bất ngờ nhận ra rằng họ đang biểu lộ cách đi lại của tổ tiên như loài khỉ”, Uner Tan cho biết. Uner Tan là nhà khoa học đầu tiên gợi mở ra sự tồn tại của thuyết tiến hóa ngược trong sự sống của loài người và hiện tượng đi bằng bốn chi của anh em nhà Ulas đã được đặt theo tên ông – hội chứng Uner Tan.

Trái ngược hẳn với các giả thuyết trên, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí khoa học PLOS One (Mỹ) mới đây lại cho rằng, những di chuyển của anh em nhà Ulas theo hướng ngang chứ không giống loài linh trưởng đi theo hướng chéo. Cách đi lại của họ theo hướng ngang và đặt trọng lực lên cổ tay thay vì khuỷu tay. Đây là dấu hiệu rõ ràng của việc thích nghi để đối phó với sự mất cân bằng trọng lượng cơ thể. Trong nghiên cứu này, Liza Shapiro, nhà nhân chủng học tại Đại học Texas ở Austin (Mỹ) cho rằng: “Những người đi bằng bốn chi chỉ đơn giản là không đủ khả năng đứng thẳng và không đại diện cho một ví dụ về sự “tiến hóa ngược””.

Trong một phần của nghiên cứu này, Liza Shapiro và các cộng sự đã phân tích 518 bước bằng bốn chân của năm anh chị em nhà Ulas. Họ so sánh những bước đi này với những nghiên cứu trước đây về các mô hình đi bộ của người trưởng thành khỏe mạnh được yêu cầu di chuyển xung quanh một phòng thí nghiệm trên cả bốn chi. Theo như kết quả của nghiên cứu, gần như tất cả đối tượng trong hai nghiên cứu (98% bước đi) bước vào chuỗi bên, có nghĩa là họ đặt một chân xuống và sau đó một bàn tay trên cùng một bên rồi di chuyển trong cùng một chuỗi ngang. Trong khi đó khỉ và động vật linh trưởng lại khác, chúng bước theo một chuỗi đường chéo, đặt một chân xuống một bên và sau đó đặt một bàn tay ở phía bên kia để di chuyển. “Mặc dù việc con người có thói quen đi bộ bằng bốn chi là không bình thường nhưng hình thức đi bằng bốn chi của những người trưởng thành và khỏe mạnh cũng tương tự như vậy. Như chúng ta đã thấy, hiện tượng đi bằng bốn chi ở người lớn khỏe mạnh hoặc những người có khuyết tật về thể chất được giải thích bằng cách sử dụng các nguyên tắc cơ sinh học chứ không phải là giả định tiến hóa”, Shapiro cho biết.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được ý kiến cuối cùng. Trong khi đó, những thành viên kém may mắn trong gia đình Ulas ở vùng hẻo lánh xa xôi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn về giao tiếp và lao động vì chứng bệnh kỳ lạ. Chưa có một tín hiệu nào khả quan cho thấy họ có thể cải thiện được chuyện đi đứng như động vật này.

 


Ý kiến của bạn