Hà Nội

Gia đình có tiền sử, từ 40 tuổi, nên đi nội soi tiêu hóa tầm soát bệnh

03-10-2019 07:06 | Y học 360
google news

SKĐS - Những yếu tố nguy cơ cao dễ dẫn đến ung thư đường tiêu hóa như: ngoài tuổi 40 xuất hiện những biểu hiện kéo dài như đau bụng, sụt cân, thiếu máu, ăn không tiêu, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn đi cầu, tiêu chảy, táo bón...; tiền sử người thân trong gia đình (ông bà nội/ngoại, cha, mẹ, anh, chị, em ruột) đã phát hiện bệnh...

ThS.BS. Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng Khoa Nội soi Tiêu hóa, BV. Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), khuyến cáo khi có các biểu hiện bất thường như trên, trong độ tuổi nguy cơ cao, gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa, ngoài 40 tuổi, người dân cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để được khám và có các chỉ định chẩn đoán thích hợp.

Việc phát hiện sớm đem lại hiệu quả điều trị bệnh cao.Tuy nhiên, người dân không nên tự ý thực hiện phương pháp nội soi tại các phòng khám, cơ sở y tế tư nhân bên ngoài bởi có thể gặp phải các biến chứng đi kèm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Mới đây, một bệnh nhân nữ (60 tuổi, ngụ TP.HCM) đến BV. Nguyễn Tri Phương khám do tình trạng táo bón và đau bụng âm ỉ kéo dài nhiều năm. Trước những triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội soi Tiêu hóa để được thực hiện nội soi xác định nguyên nhân.ThS.BS. Lưu Phương, cho biết, tình trạng táo bón của bệnh nhân nặng đến mức trước khi thực hiện nội soi bệnh nhân đã được sử dụng thuốc xổ làm sạch đường tiêu hóa nhưng không được; và cần các phương pháp can thiệp mạnh hơn.Kết quả nội soi cho thấy, bệnh nhân bị ung thư đường ruột khá nghiêm trọng, phải nhập viện điều trị.

Trước đó, một bệnh nhân nữ 47 tuổi ở Tiền Giang cũng đến BV khám vì những triệu chứng đường tiêu hóa kéo dài.Bệnh nhân này cho hay, khoảng 2 năm trước cha của chị bị phát hiện bị ung thư đại trực tràng và qua đời ở tuổi 62.Khi nhận thấy có những biểu hiện bất thường kéo dài ở đường tiêu hóa như khó tiêu, đầy bụng…, quá lo sợ nên chị quyết định đi khám. Kết quả, chị L. bị u lành đường ruột, may mắn phát hiện sớm nên quá trình điều trị dễ dàng hơn.

Gia đình có tiền sử, từ 40 tuổi, nên đi nội soi tiêu hóa tầm soát bệnhẢnh minh họa

Theo BS. Lưu Phương, nội soi qua các đường lỗ tự nhiên, mục đích chẩn đoán và thông qua đó tiến hành điều trị. Người ta có thể tiến hành nội soi lỗ mũi, lỗ tai, nội soi đường miệng, nội soi đường hậu môn… Trong đó, nội soi tiêu hóa là một trong những con đường chính để chẩn đoán và điều trị bệnh.Đặc biệt, nội soi điều trị sẽ giúp các bác sĩ tiến hành cầm máu, cắt khối u không phải rạch hay đục thêm lỗ trên cơ thể bệnh nhân.

Người bệnh chuẩn bị tâm lý gì khi đi nội soi?
- Người bệnh không nên quá lo sợ khi BS chỉ định nội soi. Không có BS nào muốn làm bệnh nhân đau, nên các BS sẽ hướng tới giảm thiểu cơn đau và thực hiện thao tác cho bệnh nhân một cách nhẹ nhàng nhất.
- Cho dù người bệnh không có yêu cầu, BS vẫn sử dụng phương pháp gây tê khi nội soi. Khi bệnh nhân có yêu cầu và ký chấp nhận đồng ý, BS sẽ cho bệnh nhân “ngủ” trong lúc nội soi.
- Trước khi nội soi đường tiêu hóa trên, bệnh nhân không được ăn, đặc biệt các thực phẩm có màu, trong vòng 8 giờ. Nếu không, các thực phẩm sẽ làm sai kết quả chẩn đoán; ngoài ra, nguy cơ các dịch như sữa có thể văng vào phổi gây sặc.
- Đối với nội soi đường tiêu hóa dưới, ngoài chuyện nhịn ăn, người bệnh phải được làm sạch ruột.
- Sau khi nội soi, bệnh nhân nghỉ ngơi từ 30 phút - 1 giờ, rồi ăn nhẹ. Cữ sau đó nữa mới có thể ăn lại bình thường.

Hạn chế nội soi đau bằng ống mềm và phương pháp ngủ gật

BS.Phương thống kê, hiện nay trung bình mỗi tháng các BS tại đây thực hiện nội soi từ 1.000 - 1.200 ca, trong đó chủ yếu là nội soi đường tiêu hóa.

Thông thường, nội soi đường tiêu hóa, bệnh nhân “ớn nhất” khi có vật thể lạ, dù là ống nội soi mềm, đi vào trong người qua đường miệng (nội soi đường tiêu hóa trên, nội soi dạ dày) hoặc qua đường hậu môn (nội soi đường tiêu  hóa dưới).

Khoảng 3 năm trở lại đây, BV đã triển khai phương pháp nội soi không đau, giúp bệnh nhân không khó chịu bằng cách cho bệnh nhân truyền dịch, đi vào trạng thái ngủ gật, quên đi việc đang được các bác sĩ can thiệp nội soi.

“Trong số những trường hợp trên, khoảng 5% bệnh nhân nội soi đường tiêu hóa trên (nội soi qua đường miệng) và 3 - 40% bệnh nhân nội soi qua đường tiêu hóa dưới (hậu môn) yêu cầu phương pháp nội soi không đau. Nhiều trường hợp phát hiện bệnh sớm, và điều trị bệnh đạt hiệu quả cao”, BS.Lưu Phương nhận xét.

Ngoài chẩn đoán bệnh chính xác, ứng dụng nội soi trong điều trị

- Hóc dị vật đường tiêu hóa (nuốt lầm cả vỉ thuốc, nhẫn, hạt, nghẹn gân bò…).

- Xuất huyết tiêu hóa, cầm máu không mổ.

- Nội soi cắt bỏ những cục thịt dư hay u lành .

- “Lột” các tế bào ung thư khi ở giai đoạn sớm.

- Nội soi có thể giúp làm nong, thông cho tắc nơi hẹp hay bị co thắt trên đường đi của hệ tiêu hóa…


AN QUÝ
Ý kiến của bạn