Quyết định này vừa được đưa ra sau phiên họp của thường trực Chính phủ chiều nay (5/3) và có hiệu lực từ 16/3. Theo đó, với mức tăng 7,5%, việc điều chỉnh giá lần này sẽ đảm bảo việc Tập đoàn Điện lực (EVN) không bị lỗ.
Ngoài ra, nguồn thu từ tăng giá điện sẽ được dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng), đảm bảo khả năng tăng GDP 6,2% và kiểm soát lạm phát khoảng 5%.
EVN cho biết nếu không điều chỉnh năm 2015 sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Trong đó, năm 2015 phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống 8% (năm 2014 tỷ lệ này là 8,49%); nâng năng suất lao động toàn Tập đoàn tăng trên 9%.
Trước đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 3 phương án lần lượt là 7,5%, 8,5% và cao nhất là 9,5% và có thông tin cho biết kịch bản cao nhất đã được nhiều ý kiến đồng tình.
Tại cuộc họp chiều nay (5/3), các thành viên Chính phủ cho rằng mức tăng 7,5% là phù hợp để không ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trả lời báo chí đầu tuần này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói rằng giá điện đáng ra đã tăng trước Tết. "Các yếu tố tăng giá điện đã hội đủ thời điểm đó song lo ngại điều chỉnh giá có thể ảnh hưởng tâm lý người dân, doanh nghiệp trong Tết nên Thủ tướng yêu cầu chưa tăng", ông Hải nói.
Ông Hải cho biết một loạt yếu tố đầu vào cấu thành giá điện đều tăng. Giá than tăng 22% từ tháng 7/2014. Giá khí đã điều chỉnh 4 lần trong 16 tháng qua. Thuế tài nguyên nước tăng thêm 2%. Giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ cũng tăng. Tỷ giá đã điều chỉnh thêm 1% sau lần tăng giá tháng 8/2013.
Bộ Công Thương cho biết cũng nhận được những băn khoăn của người dân là tại sao giá dầu giảm mà điện thì ngược lại. "Dù giá dầu đã giảm sâu nhưng vì điện chạy dầu trong cơ cấu sản lượng chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, chỉ 0,55%", ông Hải nói và "lấy làm tiếc" vì điều này.