Giá điện, giá nhà thuê tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,13%

06-12-2024 10:50 | Xã hội

SKĐS - Chỉ số giá điện sinh hoạt, giá nhà ở thuê và vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 tăng 0,13% so với tháng trước.

So với tháng 12/2023, CPI tháng 11 tăng 2,65% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,77%. Bình quân 11 tháng năm 2024, CPI tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,7%.

So với tháng trước, chỉ số CPI chung cả nước tháng 11/2024 tăng 0,13% (khu vực thành thị tăng 0,17%; khu vực nông thôn tăng 0,09%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm hàng giảm giá.

Các nhóm hàng có chỉ số giá tháng 11/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước:

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,12% làm CPI chung tăng 1,38 điểm phần trăm, trong đó giá nhóm lương thực tăng 6,13%; thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình cùng tăng 3,87%.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,06%, tác động làm CPI chung tăng 0,95 điểm phần trăm. Trong đó, nước sinh hoạt tăng 5,14%; điện sinh hoạt tăng 7,83%; nhà ở thuê tăng 4,59%; giá gas và các loại chất đốt khác tăng 5,19%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 3,51%.

Giá điện, giá nhà thuê tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,13%- Ảnh 1.

Chỉ số giá điện sinh hoạt tăng là một trong những nguyên nhân khiến CPI tháng 11 tăng.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,28%, làm CPI chung tăng 0,28 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng cao nhất với 7%, tác động làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Trong đó, lệ phí công chứng, bảo hiểm và dịch vụ khác tăng 17,28%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 6,1%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 2,82%; dịch vụ về hiếu hỉ tăng 2,81%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,2% làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,41%, tác động làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm. Trong đó, giường, tủ, bàn ghế tăng 2,25%; giá hàng thủy tinh, sành sứ tăng 2,05%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 1,59%; đồ dùng trong nhà tăng 1,65%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,34%, tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,14%, tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm. Trong đó, giá dịch vụ giày dép tăng 6,03%; dịch vụ may mặc tăng 3,19%; mũ nón tăng 1,86%; vải các loại tăng 1,88%.

Giá điện, giá nhà thuê tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,13%- Ảnh 2.

Giá nhà ở thuê tăng cũng là một trong những nguyên nhân khiến CPI tháng 11 tăng 0,13% so với tháng trước.

3 nhóm hàng giảm giá:

Nhóm giao thông giảm 3,3%, góp phần làm CPI chung giảm 0,32 điểm phần trăm, trong đó giá xăng, dầu giảm 12,44% và ô tô giảm 0,73%.

Nhóm giáo dục giảm 0,81%, góp phần làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã miễn, giảm mức học phí.

Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,57% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2024 tăng 3,69% so với cùng kỳ năm 2023.

Lạm phát cơ bản tháng 11/2024 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 2,77% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,69%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Xem thêm video đang được quan tâm

Dừng xe trên cao tốc để hành khách đi vệ sinh, tài xế bị phạt nặng.

P.Chinh (th)
Ý kiến của bạn