Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 6/1/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.
Xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc tính đủ và có tích lũy
Phát biểu đóng góp để Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề nghị lựa chọn phương án 2 về giá dịch vụ y tế, thẩm quyền của nhà nước trong định giá dịch vụ y tế khám bệnh, chữa bệnh với các lý do như sau:
Đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, hiện nay, hầu hết các đơn vị y tế công lập, đặc biệt các bệnh viện được trao quyền tự chủ, vừa đảm bảo mục tiêu công bằng trong khám, chữa bệnh vừa hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ chế tự chủ gắn liền với việc tự chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành. Giá dịch vụ y tế đối với ngành y tế, đặc biệt là giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có vai trò to lớn đối với việc thực hiện tự chủ tài chính y tế.
Nữ đại biểu tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu tại các cơ sở y tế là dịch vụ do đơn vị cung cấp trên cơ sở tự nguyện theo yêu cầu của người bệnh hoặc người nhà người bệnh với trình độ chuyên môn kỹ thuật và chất lượng phục vụ, đáp ứng được nhu cầu của người dân trong và ngoài nước.
Đối với việc xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo hướng giá cả phù hợp với giá trị tùy theo từng chuyên ngành, từng nhóm, từng dịch vụ và xây dựng phương án chi phí của các dịch vụ và quyết định phương thức, mức giá của từng dịch vụ theo nguyên tắc tính đủ các chi phí và có tích lũy để tái đầu tư. Giá dịch vụ phù hợp với thị trường và khả năng chi trả của nhóm đối tượng khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, người bệnh có thẻ BTYT khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu thì hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định và thanh toán thêm phần chênh lệch giữa chi phí khám chữa bệnh theo yêu cầu và BHYT mà người bệnh chi trả; Bệnh viện thì thỏa thuận, thống nhất với người bệnh trước khi thực hiện dịch vụ theo yêu cầu trên cơ sở công khai, minh bạch.
Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển chọn thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia
Góp ý một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra và Bộ Y tế đã tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 4.
Đại biểu cơ bản nhất trí với quy định về Hội đồng y khoa Quốc gia trong dự thảo luật để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, việc thành lập Hội đồng y khoa quốc gia lại phải tổ chức thêm bộ máy, biên chế.
Đại biểu cho biết, Hội đồng Y khoa quốc gia đã được Thủ tướng thành lập từ năm 2020 và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ cho tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề. Mặt khác, dự thảo giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng y khoa quốc gia, thiết nghĩ các nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia theo như dự thảo luật là rất quan trọng, mang tính chuyên môn sâu như xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề…
Do đó, cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia đảm bảo đáp ứng trình độ chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ luật giao, nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.
Về các trường hợp người hành nghề được thực hiện khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký nghề, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi theo hướng tách thành 2 điểm: một điểm quy định về khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, một điểm quy định về chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn.
Về các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 48, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung ngay trong luật các quy định cụ thể đối với các cơ sở dịch vụ y tế nói chung, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nói riêng tăng cường sự quản lý nhà nước đối với cả cơ sở này. Đồng thời cân nhắc nghiên cứu giảm thời gian thực hành hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để tạo điều kiện cho các bác sĩ ra trường được sớm hành nghề bổ sung lực lượng cho đội ngũ y tế hiện nay.