Vì sao giá dầu hỏa lại giảm 30% kể từ mùa hè năm 2014? Đâu là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này?
Giá dầu hỏa giảm không phải là một tin tốt lành. Đó chính là triệu chứng của một hoạt động kinh tế đang trì trệ và nó lại không khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ dầu hỏa ít lại, một thói quen mà ta phải tập nếu chúng ta còn nghĩ về tương lai hậu thế. Vàng đen hạ giá cũng không kích thích các Chính phủ đầu tư để tìm kiếm nguồn năng lượng rẻ hơn và tôn trọng môi trường hơn. Hơn nữa, dầu thô giảm nhưng cũng không làm cho giá xăng tại các trạm bán lẻ giảm, do thuế vẫn còn cao.

Giá dầu giảm không hẳn là tin tốt.
Nguyên nhân của hiện tượng trên bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế, địa chính trị..., đồng thời cũng gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho một số quốc gia như Nga, vốn gặp khá nhiều khó khăn do bị phương Tây trừng phạt, hay Venezuela đang rơi vào suy thoái. Cũng chính vì dầu hỏa mà Libya rơi vào nội chiến. Trước tiên, về nguyên nhân khủng hoảng kinh tế, cũng giống mọi thị trường khác, thị trường dầu hỏa cũng tuân theo quy luật cung - cầu. Nhu cầu dầu hỏa của Trung Quốc giảm. Các quốc gia mới trỗi dậy khác cũng đang chìm trong khó khăn kinh tế, như Brazil trước bờ vực suy thoái, Nga chìm trong khủng hoảng…
Vậy từ tháng 10 năm nay, quốc gia nào sản xuất dầu hỏa nhiều nhất? Câu trả lời là Mỹ đã soán ngôi của cả Arập Xêút lẫn Nga. Với danh nghĩa tự chủ về năng lượng, Mỹ đã sản xuất dầu hỏa từ đá phiến nhiều đến mức giờ đây có thể xuất khẩu. Dầu hỏa rẻ thì môi trường sinh thái sẽ bị lãng quên. Con người vẫn tiếp tục tiêu thụ loại năng lượng thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi sang dùng các loại năng lượng tái tạo cũng sẽ gặp trở ngại. Ông Thierry Salomon - Phó Chủ tịch Hiệp hội NegaWatt báo động: “Dầu hỏa rẻ là một tai họa. Đó là một tác nhân làm chậm trễ quá trình bảo vệ môi trường trong khi điều cấp bách hiện nay là không thải khí carbon vào môi trường nữa”. Tuy giới khoa học vẫn liên tục báo động về tình hình trái đất nóng lên, nhưng con người vẫn giả điếc làm ngơ, hơn nữa, dầu hỏa giảm thì việc gì con người phải mất công đầu tư tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo khác nhằm thay thế dầu hỏa.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá dầu mỏ thế giới vẫn sẽ giữ xu hướng giảm sang đến năm 2015, nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ dầu thấp, trong khi sản lượng dầu từ đá phiến sét lại tăng lên. IEA nhận định xuất phát từ dự báo lượng cung - cầu thì tình trạng gia tăng nguồn cung cấp mới gây sức ép lên giá dầu sẽ còn tiếp diễn trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong năm 2014 này, nhu cầu dầu mỏ ước tính chỉ tăng trung bình 68.000 thùng/ngày, ở mức thấp trong vòng 5 năm qua, đạt 92,4 triệu thùng/ngày.
IEA cho rằng, lượng tiêu thụ dầu giảm ở Trung Quốc cũng như tại châu Âu và các nước thành viên tại châu Á và châu Đại Dương của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) sẽ được bù lại bằng lượng tiêu thụ tăng ở các nền kinh tế khác ngoài khối OECD và Mỹ. Cũng theo dự báo của IEA, nhu cầu dầu thế giới trong thời gian tới sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày và đạt 93,6 triệu thùng nhờ những cải thiện trong tình hình kinh tế vĩ mô. Báo cáo của IEA được đưa ra giữa lúc giá dầu thô trên thị trường thế giới đang giảm mạnh. Lần đầu tiên kể từ tháng 9/2010, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm dưới mức 80 USD, còn 77,92 USD/thùng. Tuy nhiên, giới kinh doanh cho rằng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ không giảm lượng khai thác để kích giá dầu mỏ. Theo họ, OPEC nên tìm cách duy trì thị phần ở thị trường Mỹ trước nguồn dầu mỏ dồi dào sản xuất từ đá phiến sét tăng nhanh trong nước của Mỹ. Xu thế khai thác nguồn năng lượng mới này hiện còn nhiều tranh cãi về tính an toàn nhưng nó đang là một nguyên nhân gây nên tình trạng “lao dốc” của giá dầu hiện nay.
(Theo Bloomberg, Liberation)
Quỳnh Anh