Mạo danh công ty xổ số, đánh đề bằng... tiền người dân
Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, đang tổng kết chuyên án triệt phá nhóm đối tượng chuyên sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 53 tỉnh, thành phố trong toàn quốc, với số tiền chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số này nổi lên một thủ đoạn rất tinh vi. Ổ nhóm này có 40 đối tượng, thường trú chủ yếu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu do đối tượng Phạm Văn Đổ (tức Phạm Văn Hổ, SN 1966, trú tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) cầm đầu.
Ổ nhóm bị phát hiện sau khi chị P.T.V.A. (SN 1974), trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội gửi đơn trình báo về việc bị dụ dỗ, lừa đảo chị hơn 3,1 tỷ đồng, lên Cục Cảnh sát hình sự và Ban chỉ đạo chuyên án, Ban chuyên án vào cuộc.
Thủ đoạn của bọn chúng là dùng điện thoại di động gài phần mềm thay đổi giọng nói, gọi điện thoại cho người bị hại chủ yếu là chủ doanh nghiệp hoặc có sở kinh doanh mua bán... tức những người có điều kiện về tiền bạc (số điện thoại của bị hại, bọn chúng lấy từ danh bạ điện thoại bàn của các tỉnh, thành phố hoặc tra cứu dò tìm trên mạng internet).
Chúng xưng tên bất kỳ như “Minh, Ánh, Ngọc, Hùng”.. để vờ bắt chuyện làm quen. Sau dăm ba câu chuyện, các đối tượng xưng là nhân viên Công ty XSKT miền Bắc phụ trách khu vực phía Nam rồi cho bị hại biết: “Lãnh đạo công ty là chú Lê Đức Thịnh, Ba Thịnh, Ba Tài - Giám đốc (Phó Giám đốc) chuẩn bị về hưu muốn kiếm một ít tiền nhưng không tham lam tiền Nhà nước” hoặc “Công ty đang có chương trình để người dân cùng tham gia đánh sập các thầu số đề ở địa phương lấy tiền gây quỹ từ thiện”... bằng cách cho số lô, đề để người dân đánh lô đề, tiền trúng chia 50%.
Khi bị hại nhận tham gia, sẽ nói chuyện trực tiếp với “Giám đốc công ty là ông Thịnh hoặc chú Ba Thịnh”, do nhóm đối tượng của Đặng Văn Hà (SN 1982), trú tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đóng vai.
Đối tượng đóng vai “Giám đốc công ty” đề nghị người bị hại góp vốn vào công ty làm thành viên để mỗi ngày biết trước một số lô đề, tiền trúng chia đôi. Khi không muốn tiếp tục tham gia thì tiền góp vốn sẽ được công ty trả lại theo lãi suất ngân hàng.
Tiếp đó, các đối tượng cho 1 con số lô và đề nghị bị hại đánh sô lô cuối ngày đối chiếu với kết quả xổ số, thấy trúng các đối tượng liền gọi điện yêu cầu bị hại chia 50% tiền trúng đề, đồng thời đề nghị “góp tiền làm cổ đông” để chia lợi nhuận.
Tin tưởng, bị hại đã “góp vốn” nộp tiền vào các tài khoản ATM của bọn chúng đã chuẩn bị từ trước. Sau đó, nhóm đối tượng đến trụ ATM trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố khác rút lấy tiền chia nhau tiêu xài.
Tang vật các đối tượng sử dụng để lừa đảo, lôi kéo người dân đánh lô, đề.
Mạo danh công ty xổ số, đánh đề bằng... tiền người dân
Lần theo dấu vết, cơ quan điều tra phát hiện số tiền hơn 3,1 tỷ đồng của chị P.T.V.A. được rút tại cây ATM trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, ngay sau đó Công an tỉnh Bạc Liêu huy động lực lượng vào cuộc điều tra, trích xuất camera xác định người thực hiện các giao dịch rút tiền từ các tài khoản mà chị V.A. chuyển tiền là nam giới, đi xe máy SH... kiểm tra dấu vân tay in trên biên lai chuyển tiền là của Đặng Văn Hà, tra cứu BKS xe máy SH nêu trên là do Hà đứng tên.
Dấu vết này đã vén màn cả một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn. Cơ quan điều tra xác định có hai nhóm đối tượng nhưng do ăn chia không đều nên tách ra. Từ hai nhóm này lại tách ra rất nhiều nhóm nhỏ nhưng vẫn đan xen lẫn nhau, giữa đối tượng này với nhóm khác vẫn có sự liên kết.
Trong đó, các đối tượng đàn em của Phạm Văn Đổ là Đặng Văn Hà, Trần Văn Linh (SN 1971), trú tại huyện Hòa Bình (Bạc Liêu); Lưu Giàu Em, Trần Văn Nhựt, Trần Chí Hướng... đã lừa đảo rất nhiều bị hại. Đến nay, Ban chuyên án đã bắt giữ, khởi tố, đưa ra xét xử 27 bị can, làm rõ 81 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Theo Cục Cảnh sát Hình sự, Ban chỉ đạo chuyên án, Ban chuyên án có căn cứ xác định các bị can, bị cáo trong vụ án trên còn thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị hại với khoảng 32.000 giao dịch chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng trên 53 tỉnh, thành phố.
Cục Cảnh sát Hình sự khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác với các đối tượng nhắn tin, gọi điện cho số lô, đề... để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, chỉ cần tỉnh táo phân tích một chút, người dân sẽ nhận ra ngay rằng chỉ cần cho 100 người mỗi người một số, ổ nhóm lừa đảo sẽ liên tiếp “trúng đề” hàng ngày và người trúng số lẫn người trượt đều thiệt hại. Đây là một thủ đoạn đã xuất hiện từ rất lâu nhưng mới “tái phát” thời gian gần đây.